Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup): Hướng đến phát hành cổ phiếu ra công chúng

Trong khuôn khổ “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TechFest 2021”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TPHCM (Sihub) phối hợp Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Thụy Sĩ (Swiss EP) và các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội nghị “Con đường hướng đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, gợi mở nhiều cơ hội phát triển cho các startup.
Các startup trao đổi tại Hội nghị “Con đường hướng đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”
Các startup trao đổi tại Hội nghị “Con đường hướng đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

Phải thuyết phục nhà đầu tư 

Phát biểu trực tuyến trước hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam có hướng phát triển tích cực. Trong 5 năm qua, với sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ, đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam năm 2021 tăng 9 lần so với 2015 và đã lên hơn 1,3 tỷ USD. Điều này cho thấy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm, kiến tạo của nhà nước và sự tham gia tích cực của nhà đầu tư. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn mạnh và đa dạng trong những năm gần đây. Số lượng startup tăng nhanh, từ 400 doanh nghiệp năm 2012 lên 4.000 doanh nghiệp năm 2020; thu hút gần 100 quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều startup đã phát triển thành công ty lớn mạnh, một số doanh nghiệp “kỳ lân” đã xuất hiện như VNG, VNPay, Axie Infinity…

Theo ông Trần Văn Tùng, khả năng tiếp cận nguồn vốn đóng vai trò quan trọng để startup đổi mới sáng tạo có thể phát triển và tăng quy mô. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, các startup đổi mới sáng tạo tiến tới IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) không hề dễ dàng. Để thành công, doanh nghiệp phải thuyết phục được nhà đầu tư với mô hình mới, độc đáo, khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước biến động của thị trường, nhất là rủi ro từ đại dịch Covid-19. 

Dẫn chứng về bức tranh IPO của các startup trong khu vực ASEAN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, trong năm nay, các quốc gia ghi nhận 54 thương vụ IPO với tổng giá trị là 5 tỷ USD. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận được thương vụ IPO nào. Bộ KH-CN sẽ nỗ lực thúc đẩy chính sách hỗ trợ, đề ra các chủ trương mới về phát triển thị trường đầu tư trong và ngoài nước để tiếp sức các startup.

Đặt mục tiêu rõ ràng

Các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ khung chính sách trên thế giới về IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhu cầu thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp về các hỗ trợ cần có trên thị trường để thực hiện IPO. Ông Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới, chia sẻ, IPO không chỉ là cách gây dựng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mà là bước đường quan trọng cho quốc gia. Nhìn một số doanh nghiệp lớn tại Đức, họ đều phát triển vượt bậc từ khi được IPO trở thành công ty công chúng. Các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán chiếm phần lớn tài sản tại Đức. “Mỗi quốc gia muốn phát triển được đều nhờ vào động lực của các doanh nghiệp. Tinh thần đổi mới sáng tạo đã có và đang tăng tốc tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong tương lai”, ông Axel Schultze nhấn mạnh.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub, Sihub đã xây dựng chương trình huấn luyện cho các doanh nghiệp về con đường IPO và hiện đang tiếp tục tạo nguồn doanh nghiệp, startup và SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) thông qua các chương trình đào tạo và hội viên; tư vấn, chuẩn hóa doanh nghiệp theo hướng IPO. Cùng với đó, Sihub xây dựng sàn giao dịch dự án khởi nghiệp và SME (sandbox), phát triển cộng đồng IPO, kết nối hình thành thị trường tài chính khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và IPO. “Chúng tôi xây dựng chương trình này với những bước đi sơ khai nên rất cần có sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa”, ông Tước nói. 

Đánh giá cao mô hình trên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Văn phòng Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025) giao Sihub triển khai chương trình đào tạo hướng đến con đường IPO cho các doanh nghiệp, thông qua chương trình tạo ra 50 doanh nghiệp hướng đến IPO. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng mong muốn, thời gian tới, chương trình huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo đi vào chiều sâu hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, đi đến cuối con đường khởi nghiệp là IPO.

Tin cùng chuyên mục