Doanh nghiệp lữ hành khởi động đón khách

Hàng loạt hãng lữ hành đã bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi được xem như liều thuốc thử hiệu quả làm ấm thị trường, khi du khách tấp nập tìm đến các điểm vui chơi, giải trí, các bãi biển… 
Du khách trải nghiệm tour “Biệt động Sài Gòn”

Ưu tiên cho sản phẩm nội địa 

Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết, đơn vị vừa triển khai các gói sản phẩm du lịch trong nước dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình. Ví dụ, đối với những tour khởi hành từ TPHCM, Lữ hành Saigontourist triển khai lại một số tour định kỳ khởi hành trong tháng 5, tháng 6 như các tour đi Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Cần Thơ, với mức giá ưu đãi từ 1,979 triệu đồng/khách trở lên; triển khai song song các sản phẩm Free & Easy đi Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang với giá hơn 1,4 triệu đồng/khách, dịch vụ đặt khách sạn và thuê xe dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình.

“Cùng với thị trường khách lẻ, Lữ hành Saigontourist bắt đầu đón nhận những dấu hiệu tích cực đối với khách đoàn. Các đoàn khách công ty, đoàn khách cơ quan, xí nghiệp bắt đầu liên hệ tư vấn và ký hợp đồng du lịch cho các tour dự kiến khởi hành trong tháng 6 và tháng 7 này”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho hay.

“Ngành kinh doanh lữ hành là ngành chịu rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời và thiết thực để hoạt động kinh doanh sớm ổn định, DN sớm vượt qua khó khăn nặng nề này”, ông Nguyễn Minh Mẫn kiến nghị. 

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Marketing Công ty TST Tourist, thị trường trong nước đã có tín hiệu khởi sắc. Ngay trong những tuần đầu tháng 5, khách hàng đã bắt đầu liên hệ, thể hiện sự quan tâm đến các chuyến đi trong nước dành cho nhóm gia đình, bạn bè với số lượng dưới 10 người. Để chuẩn bị cho mùa du lịch hè năm 2020, công ty đang xây dựng nhóm chuyên trách về sản phẩm truyền thông cùng hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ trong nước bao gồm hàng không, nhà hàng, khách sạn… Xây dựng sản phẩm tour hướng đến các loại hình như du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Trong đó, giai đoạn trước mắt sẽ tập trung vào loại hình du lịch trải nghiệm với các dịch vụ chọn lọc cung cấp theo gói cho nhóm khách gia đình và doanh nghiệp (DN).

Hiện tại, trong bối cảnh vừa kinh doanh vừa ứng phó với dịch bệnh, nhiều hãng lữ hành khẳng định trước mắt tiếp tục phục vụ dòng khách lẻ, nhóm khách gia đình, với các điểm đến gần, thuận tiện cho di chuyển bằng ô tô hoặc các chặng bay ngắn. Giá tour cũng được nghiên cứu kỹ cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thêm nữa, các tour nghỉ dưỡng ngắn ngày (khoảng 4 ngày trở lại) cũng được DN quan tâm đáp ứng nhu cầu du khách. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, cho biết thêm, các đơn vị du lịch đã khởi động trở lại, chủ yếu tập trung cho thị trường nội địa. Thị trường đang có những phản hồi tích cực. Tuy vậy, dù khách hàng đã liên hệ tìm hiểu thông tin về các tour du lịch nhưng tâm lý còn dè dặt. 

Liên kết để giảm giá sâu

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều DN lữ hành mong muốn thực hiện được các chương trình giảm sâu giá tour (40%-60%) nhằm kích cầu quy mô lớn, nhưng không dễ thực hiện, vì nhiều dịch vụ khác chưa giảm giá tương ứng. Một lãnh đạo BenThanh Tourist trăn trở rằng, đối với khách sạn chẳng hạn, nhiều nơi vẫn tính giá cao ngất ngưởng, nên dù lữ hành có giảm hết lợi nhuận vẫn không thể giảm giá tour trọn gói đến vài chục phần trăm. Vị lãnh đạo này dẫn chứng, vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều khách sạn ở khu vực Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn áp dụng tăng giá dịp lễ vào cuối tuần. Giá phòng ngày thường ở resort khoảng 2,3 triệu đồng/đêm/phòng, nhưng cuối tuần “nhảy vọt” lên 3,3 triệu đồng/đêm; riêng ngày lễ lên tới 4,3 triệu đồng/đêm. Ngoài ra, nhiều DN cũng bức xúc bởi lữ hành muốn giảm giá nhưng các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, vé máy bay… chưa giảm mạnh, thậm chí vé máy bay còn tăng giá, thì không thể giảm sâu giá tour như kỳ vọng.

Doanh nghiệp lữ hành khởi động đón khách ảnh 2 Du khách trải nghiệm tour "Biệt động Sài Gòn"

Ông Trần Thế Dũng, Phó Chủ nhiệm nhóm khuyến mãi kích cầu Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng để phục hồi hoạt động sau dịch, DN lữ hành cần hợp tác với các đơn vị cung ứng dịch vụ ở mọi miền đất nước để cùng chung tay giảm giá tour, hưởng ứng chương trình kích cầu của ngành. Trong đó, đặc biệt chú ý khai thác vé máy bay kích cầu của các hãng hàng không, để sản phẩm du lịch nội địa vừa hấp dẫn vừa được giá giảm sâu, kích thích du khách nội địa. Thực tế, lợi thế nhiều danh lam thắng cảnh, cộng với thành công trong việc kiểm soát, khống chế tốt dịch Covid-19 nên Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiếp cận, quảng bá và thu hút du khách. 

Ông Nguyễn Minh Mẫn góp ý, trong thời điểm hiện tại cơ quan quản lý ngành nên có định hướng trong chính sách liên kết kích cầu hiệu quả để các DN kinh doanh dịch vụ - du lịch cùng xây dựng các dòng sản phẩm chuyên đề. Mục tiêu đáp ứng tiêu chí an toàn, chất lượng và giá thành hợp lý; góp phần thúc đẩy, khôi phục nhanh ngành du lịch.

Tin cùng chuyên mục