Doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới để mạnh lên thay vì đòi hỏi hỗ trợ

Có khá nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất của Vietnam Airlines về việc tăng giá trần, áp giá sàn đối với vé máy bay, trong đó hầu hết lo ngại người tiêu dùng sẽ mất cơ hội mua vé giá rẻ và một số ngành kinh tế như du lịch sẽ bị tác động tiêu cực. 

Cũng từ đề xuất này, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi về trách nhiệm chia sẻ, hướng đến lợi ích chung của các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, xung quanh vấn đề này.

Doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới để mạnh lên thay vì đòi hỏi hỗ trợ ảnh 1 TS Vũ Đình Ánh

* PHÓNG VIÊN: Quan điểm của ông về đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn đối với vé máy bay của Vietnam Airlines?

* TS VŨ ĐÌNH ÁNH: Tôi không đồng tình với đề xuất này. Lý do, câu chuyện giá trần, giá sàn liên quan đến những công cụ được quy định trong Luật Giá. Nhà nước phải sử dụng công cụ giá trần, giá sàn khi có một loại hàng hóa, dịch vụ mang tính độc quyền, nhà cung cấp có thể lạm dụng quyền chi phối thị trường để đưa ra những chính sách giá gây bất lợi cho người tiêu dùng hoặc cho nền kinh tế.

Căn cứ vào tiêu chí đó, thị trường hàng không hiện nay không còn thế độc quyền nữa. Việc có nhiều hãng hàng không cùng tham gia thị trường hiện nay có thể nói đã tạo nên môi trường cạnh tranh tương đối hoàn hảo. 

Do đó, việc đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn là không phù hợp với bản chất của công cụ giá sàn hay giá trần được quy định trong Luật Giá; đồng thời đi ngược lại tính chất, xu thế phát triển của thị trường hàng không. 

* Nếu nhìn nhận đề xuất này trong bối cảnh các doanh nghiệp hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sao, thưa ông?

* Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các hãng hàng không trong và ngoài nước. Chính trong bối cảnh đó, một số hãng hàng không đang sử dụng công cụ giá để cạnh tranh trên thị trường, ví dụ tung ra các loại vé giá rẻ, thậm chí 0 đồng. Điều này phù hợp đặc điểm của ngành hàng không nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy, tăng hiệu quả khai thác chuyến bay. Rõ ràng Vietnam Airlines đã lúng túng trong việc sử dụng công cụ thị trường như vậy để cạnh tranh.

* Nhiều ý kiến lo ngại quyền lợi người tiêu dùng, tiếp theo đó là ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng xấu. Ông có thể phân tích rõ hơn những ảnh hưởng này là gì?

* Như tôi đã nói, khi thị trường đang có sự cạnh tranh tương đối hoàn hảo như hiện nay, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Trên thực tế, số lượng người có thể sử dụng dịch vụ hàng không đang gia tăng, nhất là những nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Do tác động của dịch, nhu cầu đi lại giảm mạnh, các hãng hàng không bị thua lỗ và đang phải tìm nhiều cách phục hồi, trong đó có việc sử dụng công cụ giá để thu hút khách hàng. Do đó, nếu áp giá sàn, cơ hội mua được vé máy bay giá rất rẻ của người dân sẽ không còn, các hãng hàng không cũng mất đi một công cụ cạnh tranh hữu ích.

Còn đối với du lịch, một ngành kinh tế chiếm khoảng 12%-15% GDP Việt Nam, mức độ ảnh hưởng cũng sẽ không nhỏ. Hơn 1 năm qua, mảng du lịch quốc tế gần như đóng băng, mảng du lịch nội địa đang phục hồi khá tốt do dịch đã được kiểm soát. Để kích cầu, ngành du lịch đã bắt tay với các hãng hàng không đưa ra nhiều sản phẩm rất hấp dẫn, ví dụ các combo kết hợp giữa lưu trú và vé máy bay giá rẻ.

Như vậy, việc áp giá sàn sẽ cản trở việc chúng ta đang nỗ lực phục hồi ngành du lịch. Còn với giá trần, tôi nghĩ rằng không cần tăng mà nên sớm bỏ để thị trường tự điều tiết.

* Từ câu chuyện đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay, chúng ta có thể nhìn lại hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Họ dường như được ưu ái quá nhiều và chưa thể hiện tốt trách nhiệm chia sẻ, hướng tới lợi ích chung trong sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Theo ông, các doanh nghiệp nhà nước cần phải thể hiện trách nhiệm như thế nào? 

* Tôi nghĩ điều này liên quan đến tư duy, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta không cần có sự ưu ái đặc biệt nào cho các doanh nghiệp nhà nước mà nên mạnh dạn tạo điều kiện, gỡ bỏ những rào cản cơ chế để các doanh nghiệp này được vận hành theo đúng cơ chế thị trường.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước cần có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. Để khẳng định vị thế của mình, các doanh nghiệp nhà nước nên tập trung cắt giảm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh thay vì đưa ra những đòi hỏi đi ngược lại xu thế hay trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ.

Với việc hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường, các doanh nghiệp nhà nước hoặc sẽ phải chấp nhận bị loại khỏi cuộc chơi hoặc phải mạnh lên. Khi đã đủ mạnh, các doanh nghiệp nhà nước mới phát huy được hiệu quả của đồng vốn nhà nước và thể hiện tốt vai trò của mình trong việc chia sẻ, hướng tới lợi ích chung của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục