Doanh thu thương mại điện tử hơn 53.870 tỷ đồng

Doanh thu thương mại điện tử năm 2017 trên địa bàn  TPHCM đạt  hơn 53.870 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và chiếm 5,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. 
Xu hướng mua sắm online ngày càng phát triển
Xu hướng mua sắm online ngày càng phát triển
Bên cạnh đó, hiện có khoảng 61.000 website thương mại điện tử hoạt động ổn định theo quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, bao gồm cả website có tính năng bán hàng trực tuyến và website chưa có tính năng bán hàng trực tuyến.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TPHCM, cho biết thị trường thương mại điện tử thành phố đang tiếp tục mở rộng với nhiều mô hình mới.
Cụ thể, Sở Công thương đã sử dụng phần mềm chuyên dụng kiểm tra 216.245 tên miền thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn thành phố (do Trung tâm Internet Việt Nam và Sở Thông tin - Truyền thông cung cấp); qua đó, xác định có 127.099 website hoạt động, tăng 31% so với năm 2016. Ngoài ra, doanh nghiệp thương mại điện tử thành phố đã và đang đầu tư cho website thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, xây dựng phiên bản website dùng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng...
Từ đó, không chỉ góp phần phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng. 
Công ty Nghiên cứu và đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu Nielsen dự đoán doanh số bán hàng trực tuyến của các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh sẽ vượt qua doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ trong vòng 5 năm tới.
Tương tự, một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng nhận định, tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất khả quan vì giao dịch thương mại điện tử nói chung, giao dịch trên thiết bị di động nói riêng (mobile commerce), dựa trên nền tảng thanh toán trực tuyến cũng đơn giản, tiện dụng hơn.
Mặc dù vậy, tình hình khó khăn hiện nay của lĩnh vực thương mại điện tử phản ánh ở 2 vấn đề là thị trường đang tự điều tiết sau chu kỳ tăng trưởng nóng giai đoạn 2013 - 2015 và người tiêu dùng trực tuyến trở nên thông thái hơn, khi có kỹ năng, kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm và người bán uy tín. 
Ghi nhận thực tế từ nhóm website thương mại điện tử hàng đầu hiện nay như Thegioididong, Tiki, Sendo, Lazada, Adayroi, Hotdeal... có thể thấy tuy kết quả hoạt động năm 2017 khá hơn năm 2016, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức. Hầu hết doanh nghiệp thương mại điện tử dẫn đầu đều đang gặp khó khăn về tài chính nên buộc phải “tái cấu trúc” theo hướng thu gọn phạm vi hoạt động, tập trung nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp đề xuất thành phố cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy thị trường nhanh chóng hồi phục, phát triển.

Tin cùng chuyên mục