Trải nghiệm độc đáo ở miền cổ tháp
9 giờ ngày 1-5, chúng tôi lên đoàn tàu số hiệu SN1234 với 2 toa tàu du lịch và 1 toa công vụ phát điện để theo hành trình trải nghiệm, khám phá di sản miền Đất Võ - Bình Định.

Tàu khởi hành tại ga Quy Nhơn rồi chầm chậm lướt qua những đô thị, hẻm nhỏ trong lòng TP Quy Nhơn, ghé các điểm dừng di sản nổi tiếng ở hạ du sông Hà Thanh.
Bên trong 2 toa tàu du lịch được bài trí rất khác biệt, trang trí nhiều cờ và hoa nhằm chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Đặc biệt, 2 toa tàu còn được bố trí nhiều gian hàng ẩm thực, đặc sản Bình Định, như: bánh ít lá gai, nem, chả, tré Chợ Huyện, bánh hồng, dừa xiêm…
Điểm dừng đầu tiên chuyến tàu di sản là ở tháp Đôi với 2 khối tháp Chăm cổ 1.000 năm tuổi.
Tại đây, du khách được nghe một bản thuyết minh ngắn về di sản tháp Đôi từ các hướng dẫn viên du lịch và thưởng thức một tiết mục múa Chăm Pa.

Chị Nguyễn Thị Bích Trâm (39 tuổi, du khách ở TPHCM) thích thú: “Thật sự rất thú vị khi được ngồi trên tàu để chầm chậm đi qua những đô thị, hẻm nhỏ, vùng quê rồi ghé đến các di sản, tháp Chăm cổ. Tôi cảm thấy rất may mắn được trải nghiệm trên chuyến tàu này. hy vọng lần tới đây khi đến Bình Định, tôi lại được trải nghiệm chuyến tàu đến nhiều di sản hơn”.

Anh Iiurii Kulakov (du khách người Nga) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm chuyến tàu du lịch đặc biệt, rất mới lạ. Suốt hành trình, chuyến tàu mang đến cho tôi nhiều bất ngờ, đặc biệt là ẩm thực trên tàu rất ngon và tôi khá ấn tượng với điểm dừng chân ở tháp Đôi”.

Qua tháp Đôi, chuyến tàu tiếp tục lướt nhẹ đến những đồng quê, lũy tre, bờ sông.
Điểm dừng chân kế tiếp là cầu đường sắt Luật Lễ, cây cầu sắt cổ hơn 100 năm tuổi trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Tại đây, du khách được nghe nhiều thông tin rất thú vị về kỹ thuật xây dựng đường sắt Bắc – Nam Việt Nam hơn 100 năm trước…

Sau khi tới điểm dừng chân cuối cùng ở ga Diêu Trì, chuyến tàu sẽ quay trở lại Quy Nhơn để trả khách.
Suốt quá trình tàu quay về, du khách sẽ cùng các nghệ nhân của Bình Định trải nghiệm loại hình nghệ thuật bài chòi...

Nối dài những điểm dừng di sản
Nhiều du khách trải nghiệm trên chuyến tàu văn hóa Bình Định có những đánh giá rất tích cực, cho rằng đây là cách làm mới, đầy sáng tạo.
“Tôi mong tỉnh kết nối thêm để mở rộng các điểm đến di sản, liên kết với các địa phương để có những tuyến tàu di sản kết nối vùng, trải nghiệm nhiều ngày đêm. Tỉnh nên cập nhật thêm tư liệu lịch sử, hồ sơ di sản đầy đủ hơn, ứng dụng số hóa để du khách có thể vừa trải nghiệm hành trình vừa tìm hiểu về giá trị các di sản”, chị Bích Trâm góp ý.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định cho biết, dịp này, tỉnh phối hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khai thác 2 chuyến tàu (sáng/chiều) phục vụ du khách, người dân trong 2 ngày 1 và 1-5.
"Mỗi chuyến tàu, chúng tôi bố trí cho khoảng 70-100 hành khách tham gia miễn phí để thăm dò, lấy ý kiến đóng góp, hiến kế nhằm hoàn thiện sản phẩm du lịch mới này", bà Chung nói.
Theo bà Chung, sau khi thí điểm thành công, tỉnh Bình Định sẽ bắt đầu phát triển hạ tầng, không gian, bổ sung tư liệu lịch sử và hoàn thiện cách thức tổ chức, vận hành, để đưa chuyến tàu trải nghiệm trên hoạt động lâu dài.


"Đặc biệt, tỉnh sẽ cùng ngành đường sắt xây dựng kế hoạch để phát triển đường hoa cho hành trình khám phá di sản, văn hóa bằng tàu hỏa này từ Quy Nhơn lên ga Diêu Trì. Chúng tôi sẽ làm từng bước, nếu thành công thì tiếp tục mở rộng các điểm đến di sản cho chuyến tàu”, bà Chung cho hay.


Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định, ý tưởng về chuyến tàu trải nghiệm văn hóa trên được hình thành từ sự hợp tác giữa UBND tỉnh với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Hiện, 2 bên đã ký kết nhiều hợp tác, trong đó có các hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch mới bằng đường sắt.

Trước mắt, 2 bên tập trung khai thác hiệu quả nhất tuyến trải nghiệm di sản từ ga Quy Nhơn - ga Diêu Trì, sau đó mở rộng thêm các tuyến kết nối vùng, phục vụ thị phần khách ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang...