Vài năm gần đây, đường sách mở ngày xuân đón khách và nhiều người chọn ngày tết để đọc sách sau cả năm tất bật. Một câu hỏi xuất hiện trên các diễn đàn về sách rằng “Tết này có sách gì hay để đọc?”.
Thơ xuân của Bác
Bất cứ ai từng sống trong những năm tháng chiến tranh hẳn vẫn còn nhớ những giây phút nôn nao chờ đón giao thừa những năm tháng ấy: Chờ nghe thư, thơ xuân chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời thơ không chỉ mang ý nghĩa báo hiệu ngày xuân mà còn đóng vai trò quan trọng từ tổng kết một năm đến dự báo cho năm mới. Bác Hồ gọi! Ấy là mùa xuân đến là một công trình đặc biệt của hai tác giả Hà Minh Hồng và Trần Thuận (NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản). Giữa muôn vàn cuốn sách về Bác thì tác phẩm này có sự khác biệt, đó không phải công trình sử học, cũng không phải một tác phẩm văn học. Cuốn sách tập hợp những bài thơ xuân, lời chúc đầu năm của Bác.
Theo hai tác giả thì thư, thơ xuân của Bác mở đầu vào xuân Tân Tỵ năm 1941, (tuy nhiên trong tác phẩm có đưa thêm lời kêu gọi của Người vào xuân Canh Ngọ 1930) và kết thúc vào xuân Kỷ Dậu 1969. Dưới góc độ người giảng dạy sử học, các tác giả đã lý giải hàm nghĩa, giá trị lịch sử những bài thơ, thư chúc tết của Bác cũng như nguyên nhân, lý do, các chi tiết trong các tác phẩm của Bác. Tác phẩm không chỉ là một tài liệu tham khảo tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu về sự nghiệp sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là tài liệu lịch sử đặc sắc, giúp người đọc có thể hiểu thêm những tổng kết, mong muốn của Người vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, phản ánh những thay đổi của dân tộc khi đó.
Một số tác phẩm có trong Đường sách ngày xuân.
Hoài niệm xưa
|
Trong dịp tết này, Công ty sách Phương Nam cùng lúc giới thiệu 2 cuốn sách có chung chủ đề Sài Gòn xưa. Đầu tiên là cuốn tản văn Sài Gòn Chuyện đời của phố (phần 2) của nhà báo Phạm Công Luận. Ở phần mới này, bạn đọc có thể nhìn lại hình ảnh nhạc sị Trịnh Công Sơn ở tuổi 23 trong một căn gác trọ qua lô ảnh màu cũ của một đạo diễn già. Cũng có thể thấy hình ảnh người đàn ông Sài Gòn biến đổi qua những tấm ảnh kiểu, từ vẻ nghệ sĩ sáng sủa và trí thức khi văn hóa Pháp chiếm thượng phong, đến cách làm màu theo kiểu cao bồi khi văn hóa Mỹ du nhập… và còn rất nhiều nữa, gần 200 tấm ảnh màu và đen trắng sẽ đưa người xem đến với ký ức đầy lạ lẫm của một vùng đất đầy quen thuộc mà ta đang sống. Cuốn sách thứ hai là một tập sách tranh có tên gọi Sài Gòn Màu hoài niệm của họa sĩ, kiến trúc sư trẻ Trong Lee (Lê Trọng Hưng). Trong Lee là họa sĩ trẻ, chính vì thế khác với tác giả Công Luận ngồn ngộn ký ức xưa, Trong Lee có cái nhìn khác, cũng hoài niệm nhưng lại cách điệu hơn. Ví dụ như Thương xá Tax đứng trên hai chân gà lấy từ ý tưởng con gà là biểu tượng ban đầu của tòa nhà, hay Bưu điện TP với hình ảnh những chiếc điện thoại xưa, chiếc cặp da của người phát thư bao xung quanh… Điểm đáng chú ý nhất là tác giả đã thể hiện rất sinh động các chi tiết phụ, từ các phương tiện giao thông đến những bảng hiệu, trang phục…
Cũng mang chất hoài niệm nhưng Dỡ mắm của cụ Vương Hồng Sển (NXB Trẻ xuất bản) vừa ra mắt lại mang một chất riêng khác. Tác phẩm được viết năm 1983 nhưng như cảnh báo của cụ “…tập này, dặn lại, khi chết rồi mới được in hay làm gì thì làm. Vậy cứ mạnh dạn viết. Có người nào khi đọc không bằng lòng, dẫu trách cứ, S. vẫn không nghe, vì còn ở đây đâu nữa mà nghe!”, chính vì thế đến nay di cảo mới đến tay bạn đọc. Thực tế tác phẩm như những hồi ức, tự sự của tác giả về những vấn đề trong cuộc sống, với bạn bè, chuyện sáng tác… đã trải qua.
Sách thiếu nhi
NXB Kim Đồng vừa ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cả nước 6 cuốn sách về thiên nhiên hoang dã của nhà văn Vũ Hùng, người từng hai lần nhận giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Thực tế, các cuốn sách này đã được giới thiệu từ cách đây hơn 25 năm và tổng cộng có 18 tập.
Trong cách miêu tả của Vũ Hùng, mỗi loài sinh ra như có cái lý riêng và bổ sung cho thiên nhiên. Cũng như thiên nhiên, chúng gần gũi với con người. Các loài lớn như voi như hổ không hề phung phí sức lực để khoe khoang và làm hại các loài khác. Còn các loại thú nhỏ và ít khả năng tự vệ như một loài chim, mấy anh em nhà hươu thì lại khôn ngoan, biết điều và biết tìm ra một không gian sống của riêng mình.
TƯỜNG VY