
Vào lúc 21 giờ tối 31-1 (9 giờ sáng 1-2 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đọc thông điệp liên bang trước các thành viên của hai viện Quốc hội Mỹ.

Đây được coi là một cơ hội để ông Bush khôi phục vị thế chính trị của mình trong năm bầu cử 2006, trong bối cảnh uy tín của người đứng đầu Nhà Trắng đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua do một loạt vụ bê bối liên quan tới các chương trình ''do thám'', nghe lén điện thoại và xem trộm thư điện tử của công dân Mỹ...
Về đối ngoại, ông Bush khẳng định nước Mỹ phải tiếp tục giữ vai trò ''lãnh đạo thế giới'' vì đây là biện pháp duy nhất để bảo vệ người dân Mỹ cũng như bảo đảm hòa bình, và khẳng định nước Mỹ ''luôn phải ở thế chủ động tấn công''.
Ông Bush nói rằng Mỹ phải tiếp tục can dự mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ông Bush cũng nói rằng an ninh trong tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào việc nước Mỹ thực hiện ''mục tiêu dài hạn'' của mình là '' xóa bỏ mọi chế độ chuyên chế trên thế giới'' và ''phổ biến dân chủ'' tới mọi quốc gia''.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ không quên khu vực mà ông Bush đánh giá là ''dân chủ chưa bén rễ''. Những quốc gia mà ông Bush xếp vào khu vực này có Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria, Zimbabwe và Myanmar.
Đề cập tới các điểm nóng ở Trung Đông, ông Bush đã kêu gọi phong trào Hamas, tổ chức vừa giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Palestine, giải giáp vũ khí, từ bỏ khủng bố và thừa nhận Israel.
Ông cam kết sẽ thúc đẩy ''thay đổi dân chủ'' ở Trung Đông, đồng thời kêu gọi các đồng minh của Mỹ là Egypt (Ai Cập) và Saudi Arabia mở rộng cải cách chính trị.
Liên quan tới vấn đề Iraq, trong thông điệp liên bang năm nay, Tổng thống Bush một lần nữa tìm cách bảo vệ quan điểm về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq, vốn bị dư luận chỉ trích gay gắt thời gian qua.
Tổng thống Bush một lần nữa bác bỏ lời kêu gọi rút quân Mỹ khỏi Iraq với lý do ''sẽ không có hoà bình ở Iraq nếu Mỹ rút quân'' và đây là sự bảo đảm cho chiến thắng ở Iraq.
Về chương trình hạt nhân của Iran, ông Bush kêu gọi thế giới không để Tehran có được vũ khí hạt nhân. Ông Bush cũng cáo buộc Iran ''trợ giúp cho các phần tử khủng bố ở các vùng lãnh thổ Palestine và Lebanon''.
Về kinh tế, ông Bush cho rằng kinh tế Mỹ là ''ưu việt'' song thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ các nước ''cạnh tranh mới'' như Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông nêu rõ nhiệm vụ sắp tới là phải giữ cho nước Mỹ luôn ở thế hùng mạnh, siêu cường số một về kinh tế, thông qua việc đầu tư lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu và sáng chế...
Ông Bush nhấn mạnh nước Mỹ quá ''nghiện'' dầu mỏ và quá phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông là nơi ông cho là khu vực bất ổn của thế giới.

Toàn cảnh phòng Hạ viện nơi Tổng thống Bush đọc Thông điệp liên bang.
Ông đặt nhiệm vụ tới năm 2025 giảm 75% lượng dầu mỏ mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Đông và kêu gọi tăng ngân sách phát triển công nghệ mới để giải quyết vấn đề này, tìm kiếm các nguồn nhiên liệu mới, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng hạt nhân...
Thông điệp liên bang của ông Bush còn đề cập tới một loạt vấn đề như tự do thương mại, nhân bản vô tính...
Kết quả thăm dò dư luận của đài truyền hình NBC tiến hành trước khi Tổng thống Bush đọc thông điệp liên bang, cho thấy tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ ông Bush trên hầu hết các mặt đều rất thấp. Gần 60% số người được hỏi tỏ ý không hài lòng với phương thức điều hành đất nước của Tổng thống Bush.
Trong khi đó, các nghị sỹ đảng Dân chủ, đang cố gắng giành lại đa số ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cũng chỉ trích Tổng thống Bush về một loạt vấn đề, đặc biệt là về cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq.
L.D (TTXVN & AP)