Dồi dào hàng hóa phục vụ tết

Thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với năm trước, song với sự chuẩn bị từ sớm của các địa phương và doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể yên tâm vì không lo thiếu hàng, giá tăng đột biến.
Hàng tết lên kệ ở các siêu thị
Hàng tết lên kệ ở các siêu thị

Chủ động chuẩn bị từ sớm

Bộ Công thương cho biết, theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Ước dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường…

Tại một số địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, ngay từ đầu tháng 11-2022, Sở Công thương các tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo và tích cực triển khai công tác chuẩn bị tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch tết của địa phương. Đáng chú ý, một số địa phương linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường như mở rộng nhóm hàng hóa diện bình ổn thị trường; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện bình ổn thị trường… 

Điển hình như TPHCM, để không đứt gãy nguồn cung hàng hóa, các sở, ngành của thành phố đã cùng các địa phương bàn biện pháp giữ bình ổn giá trước, trong và sau tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, theo dõi sát biến động thị trường... Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, TPHCM chuẩn bị hàng tết năm nay tăng 15-30% so với năm 2022. Cụ thể, nguồn hàng về TPHCM qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị (khoảng 25-30%), còn lại qua các chành vựa, chợ đầu mối khoảng 70%, với khoảng 7.200 tấn lương thực, thực phẩm mỗi đêm. Cũng theo ông Vũ, TPHCM đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa cho 2 tháng tết. Theo đó, đã có khoảng 34.000 tấn hàng hóa được chuẩn bị cho người dân dịp tết 2023. 

Kích cầu mua sắm hàng hóa tết 

Hiện, tại các siêu thị, hàng tết đã lên kệ với chủng loại và giá cả đa dạng, tập trung ở những mặt hàng như bánh kẹo, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, Saigon Co.op đã chuẩn bị lượng hàng hóa gấp 1,5 lần so với tết năm ngoái để bảo đảm tất cả hàng hóa mùa tết được đến tay bà con. Quan trọng hơn, Saigon Co.op kiểm soát nguồn hàng này đảm bảo những yêu cầu, cam kết về chất lượng, xuất xứ cũng như đón đầu xu hướng về sức khỏe của người tiêu dùng không chỉ ở TPHCM mà trên cả nước. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, Tết Quý Mão 2023 gần với Tết Dương lịch là động lực kích thích sức mua ngay những ngày đầu tháng 12. Ông Thắng dự báo, mùa tết năm nay, nhìn chung nhu cầu mua sắm vẫn ổn định và sẽ tăng 10-30% đối với những mặt hàng đặc trưng tết như bánh mứt kẹo, nước giải khát, giò chả, bánh chưng, bánh tét... “Đón đầu xu hướng mua sắm tết năm nay, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra triển khai sớm các chương trình khuyến mãi phục vụ tết với hàng loạt đổi mới, gia tăng sự trải nghiệm cho người tiêu dùng. Việc giảm giá hàng tết sớm được thiết kế khoa học, tập trung giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, đồng thời gia tăng tiện ích để người dân có thể bắt đầu mua sắm ngay từ bây giờ một cách hợp lý”, ông Thắng nói. 

Theo đó, từ ngày 8 đến 21-12, hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra áp dụng khuyến mãi đậm cho nhiều nhóm hàng với chủ đề “Rộn ràng tết sớm - Khuyến mãi đầy”. Nhóm thực phẩm tươi sống giảm giá từ 15-30%; nhóm thực phẩm công nghệ gồm chương trình “Mua nhiều ưu đãi lớn”, “Đại tiệc tân niên”, “Giá sốc giảm tận gốc”, “Siêu ưu đãi - Deal khủng cuối tuần” với mức giảm giá lên đến 80% cho nhiều sản phẩm nhóm hóa mỹ phẩm gồm chương trình “Giá sốc giảm tận gốc”, “Mua nhiều ưu đãi lớn” giảm giá mạnh lên đến 50%. Nhóm đồ dùng gia đình và may mặc thời trang gồm chương trình “Giáng sinh lung linh”, “Giá sốc giảm tận gốc” giảm đến 50%.

Để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công thương đã có ý kiến đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ về đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết, triển khai các chương trình phục vụ tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023.

Tin cùng chuyên mục