Đổi mới tư duy phục vụ của hệ thống xe buýt

“Chính sách sử dụng ngân sách hỗ trợ chi phí đi lại của người dân, để nhiều người dân sử dụng xe buýt (trợ giá) là hợp lý, nhưng phương thức trợ giá còn nhiều bất cập”. 
Hành khách chờ xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hành khách chờ xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Các đại biểu đã đánh giá như vậy trong chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề “Trợ giá xe buýt - hiệu quả và giải pháp”, do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào sáng 9-9. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đã tham dự chương trình.

Giảm giá và miễn vé trực tiếp

Nhìn lại hiệu quả của hoạt động trợ giá, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM, cho hay, trợ giá xe buýt được thực hiện từ năm 2002 đến nay. Hiện có 103/141 tuyến xe buýt trên địa bàn TP được trợ giá, với 2.500 phương tiện, thực hiện trung bình 17.000 chuyến xe/ngày, vận chuyển mỗi ngày khoảng 650.000 - 700.000 lượt hành khách. Kinh phí trợ giá năm 2017 là 957 tỷ đồng. Thông qua trợ giá, người dân sử dụng xe buýt ngày càng nhiều - khối lượng vận chuyển xe buýt năm 2017 là 223 triệu lượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội với các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ trong đi lại. Đơn cử giá vé của học sinh sinh viên (HSSV), người nghèo là 2.000 đồng/lượt; trong khi thương bệnh binh, người khuyết tật, trẻ em, người già trên 70 tuổi được miễn vé. Các nhóm đối tượng này chiếm trên 55% khối lượng vận chuyển của xe buýt.

“Giá vé hòa vốn của xe buýt là 7.773 đồng/lượt khách, trong khi giá vé bình quân hiện nay chỉ là 3.489 đồng/lượt khách. Như vậy, chính sách trợ giá vừa hỗ trợ giảm giá vé trực tiếp cho khách phổ thông (vé 5.000 - 6.000 đồng/lượt); vừa giảm sâu cho HSSV, người nghèo và miễn 100% cho diện chính sách”, ông Trần Chí Trung nêu tác động của việc trợ giá.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường nhận định, tiền trợ giá xe buýt ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn. Tỷ trọng chung trên thế giới giữa trợ giá và chi phí thông thường là 50% (tại TPHCM ban đầu tỷ lệ này là 68% và hiện nay tiệm cận mức 40% - 45%).

Dù vậy, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập trong trợ giá xe buýt. Cách thức trợ giá là tính trên chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trên từng chuyến, trong đó, chi phí căn cứ trên đơn giá định mức đã được TP ban hành từ năm 2009. Xã viên các hợp tác xã (HTX) vận tải cho rằng, bộ định mức đơn giá ban hành năm 2009 đã quá lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay, bởi chi phí đầu vào tăng lên nhiều, từ giá xe, giá nhiên liệu, tiền lương.

Ông Lê Đình Tạo, xã viên HTX chạy tuyến xe buýt số 19, cho biết chi phí một tuyến xe là 305.000 đồng nhưng đơn giá tính chi phí chỉ là 153.000 đồng! Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX Vận tải 19-5, bày tỏ, HTX chạy xe buýt từ Hóc Môn về Bến xe Chợ Lớn nhưng kinh phí cấp chỉ đủ chạy đến Bệnh viện Chợ Rẫy là hết nên đoạn còn lại, HTX phải tự bỏ tiền bù. Chưa kể xe buýt phải hoạt động chen chúc trong dòng xe cá nhân nên không thể phục vụ đúng giờ.

Hướng tới chất lượng phục vụ

Ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu Quản lý Đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, người dân còn chưa thoải mái về sự an toàn, an ninh khi đi xe buýt - đôi lúc chạy quá nhanh, dừng không đúng trạm, không tấp sát vô lề…; vệ sinh tại trạm, vệ sinh trên xe thường bị quên; sự phục vụ của tài xế, tiếp viên đôi khi chưa nhã nhặn.

Để tăng sự hấp dẫn, ông Dư Phước Tân đề nghị, cần có thêm wifi trên xe; tiếp tục làm đường riêng cho xe buýt và phát triển mô hình xe đạp công cộng - dùng điện thoại di động để mở khóa tự lấy xe đi và trả lại ở nơi nào đó, giúp hỗ trợ phát triển xe buýt.

Trực tiếp kết nối với chương trình Lắng nghe và Trao đổi, cử tri Vũ Huy Tường Nhã (người khiếm thị, ngụ quận 10) đề nghị, các xe buýt cần có loa thông báo lộ trình. Cử tri huyện Củ Chi yêu cầu có thêm nhà chờ để không phải đội nắng, mưa khi đợi xe. Cử tri huyện Bình Chánh đề nghị có thêm xe buýt chạy thẳng tới trung tâm huyện, tới Bệnh viện Nhi đồng TPHCM…

Trong khi đó, sau 8 tháng vẫn chưa nhận được đủ tiền trợ giá phần còn lại của năm 2018, bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX Vận tải Quyết Thắng, đề nghị TP sớm có bộ định mức đơn giá chi phí cho vận hành xe buýt mới, đảm bảo tính đúng tính đủ chi phí liên quan; chi trả tiền hỗ trợ lãi vay cho phần mua xe mới theo chủ trương của TP, để xã viên có tiền trả nợ, trang trải chi phí chạy xe và duy trì hoạt động.

Tiếp thu các góp ý, ông Trần Chí Trung cam kết, năm 2018, TP dự kiến dành 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt và trong tuần sau, trung tâm sẽ giải quyết hết việc thanh toán trợ giá, kể cả hỗ trợ lãi vay cho HTX. Từ nay đến cuối năm, sẽ cải tạo, làm mới 100 nhà chờ và 560 trụ dừng mới. Toàn bộ hệ thống xe buýt có lắp đặt camera và hệ thống thông báo trạm tự động phục vụ người khuyết tật (trừ một số xe cũ đang chờ thay mới). Trong tháng 9-2018, sẽ kết nối thêm tuyến xe buýt đi từ Bến xe Chợ Lớn hoặc Bến xe miền Tây thẳng tới Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

Xác định từ nay đến năm 2020, xe buýt vẫn là chủ lực trong hệ thống giao thông công cộng, với mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách (hiện nay là 9,6%), Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, có 3 nhiệm vụ cần làm. Trước hết, đổi mới tư duy phục vụ gắn với đổi mới công nghệ, lấy khách làm trung tâm, không còn sự phân biệt đối xử giữa HSSV được trợ giá đi vé 2.000 đồng/lượt với khách đi vé 6.000 đồng/lượt. Đồng thời với tiêu tiền trợ giá, hệ thống xe buýt phải tạo nguồn thu trở lại, bằng quảng cáo (năm 2017 thu được 53 tỷ đồng từ quảng cáo trên xe buýt), thu từ bến bãi và một số nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, tiếp tục xã hội hóa, đấu thầu hệ thống xe buýt; công khai, minh bạch toàn bộ công việc về xe buýt.

Bà BÙI THỊ DIỄM THU, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Nên miễn vé xe buýt cho học sinh

Thời gian qua, ngành giáo dục vận động một số trường tổ chức đưa rước học sinh, song các trường thực hiện với mức vé khá cao nên không hiệu quả lắm. Đề nghị TP trợ giá các trường tự tổ chức đưa rước học sinh tại trường. Hiện nay, trợ giá xe buýt cho học sinh ở huyện Củ Chi, Cần Giờ là 4 lượt/ngày còn nội thành là 2 lượt/ngày. Nhưng học sinh hầu hết học 2 buổi/ngày, tức 4 lượt/ngày, nên việc trợ giá 2 lượt/ngày là không phù hợp.

Chi phí trợ giá học sinh cũng không cao, nếu được, TP nên tính tới miễn vé đi xe buýt cho các em ở TPHCM. Như thế, vừa thể hiện tính nhân văn, vừa tập thói quen sử dụng phương tiện công cộng từ nhỏ cho cư dân TP. Và nếu được thì nên tổ chức xe buýt đưa rước học sinh riêng, không phải là xe công cộng chở chung khách thông thường, để đảm bảo an toàn cho học sinh và mang lại sự an tâm cho phụ huynh.

TS TRỊNH VĂN CHÍNH, Đại học GTVT TPHCMXe buýt phải từ cửa nhà đến cửa cơ quan

TPHCM có nhiều tuyến xe buýt liên quận song lại chưa có các tuyến xe buýt nội quận. TP có nhiều khu dân cư trong hẻm, nên cần có các tuyến xe buýt mini, đón được khách từ trong hẻm. Làm sao người dân có thể đi xe buýt từ nhà đến cơ quan, xe buýt vận chuyển từ cửa đến cửa. Đồng thời, cần có vé thông minh, tích hợp được nhiều tuyến xe buýt, một loại vé đi được nhiều loại hình như xe buýt, metro mà nhiều nước áp dụng.

Tin cùng chuyên mục