
Tại TPHCM, ngày càng nhiều phường, xã tổ chức hình thức đối thoại với dân, tiếp thu và giải quyết việc dân ngay từ tổ dân phố để tìm tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận trong dân. Dân đồng thuận, được coi như “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc… Ở những nơi đó, thường ít xảy ra tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người.
Nghe dân nói, làm dân tin
“Thấy dân ít tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, Đảng ủy phường tìm hiểu kỹ, rồi chỉ đạo MTTQ xây dựng mô hình “Đối thoại trực tiếp với nhân dân”, đồng thời nâng chất lượng các cuộc họp tổ dân phố với phương châm “nghe dân nói, làm dân tin” - Chủ tịch UBND phường Phú Thuận quận 7 Trần Văn Dòn nói.
Đối thoại vài lần, thấy dân đồng thuận cao, UBND phường mở rộng các buổi đối thoại, khi thì tiếp xúc với nhóm bà con cùng kiến nghị, khi thì với cá nhân có những vụ việc phức tạp, kéo dài.

Phó Chủ tịch UB MTTQ quận Tân Phú Nguyễn Thị Nhiều trao đổi với người dân về tình hình xã hội ở địa bàn. Ảnh: H.ÂN
Phường Phú Thuận có sáng kiến mở “Sổ thông tin hai chiều”. Sổ này ghi nhận ý kiến bà con ở tổ dân phố hay các buổi đối thoại ở phường để chuyển cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường xem xét. Lãnh đạo phường phải ký nhận vào sổ này, khi tiếp nhận ý kiến người dân. “Nếu chính quyền lắng nghe ý kiến dân, chăm lo giải quyết việc dân thì dân mới đồng thuận, từ đó dân góp sức vào các phong trào ở địa phương”- Bí thư Quận ủy quận 7 Trương Công Dân nói.
Sau những lần đối thoại giữa chính quyền với dân, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, hiểu ra một điều: Nhiều khi bà con thiếu thông tin, cộng thêm với tâm tư lâu ngày không được giải tỏa, nên bức xúc dễ bùng phát. Việc đối thoại đã làm cho người dân hiểu và thông cảm với chính quyền hơn.
Thấy một số dự án “treo” hoài, dân cứ nghĩ quận “treo” quyền lợi của dân, thực tế quyền quyết định về dự án lại không phải của quận. Sau khi tham gia đối thoại với chính quyền, hàng trăm hộ ở phường Sơn Kỳ đã “hạ nhiệt”, đặc biệt khi đích thân lãnh đạo quận Tân Phú và phường giải thích: Dự án khu 93 ha đã quy hoạch từ lâu nhưng đến nay mới được UBNDTP phê duyệt làm khu liên hợp thể thao. Đây là dự án phục vụ lợi ích xã hội chứ không phải phục vụ lợi ích kinh tế hay “chia lô, phân nền”. Nghe vậy, dân đồng tình và mong dự án mau chóng thành hiện thực.
Ít tổ chức đối thoại nhưng phường 14 quận Tân Bình chú trọng các cuộc họp tổ dân phố. Sau cuộc họp, phường phân loại ý kiến theo từng lĩnh vực, rồi phân công cho cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết, sau đó báo lại với dân kết quả giải quyết. Người dân thấy có hồi âm, hăng hái góp ý ở tổ dân phố.
Tại cuộc họp tổ dân phố 13, bà con phản ánh đường ống nước chính đã “về” đến khu dân cư, nhưng chưa “vào” đến nhà dân. Kiến nghị này được chủ tịch UBND phường 14 giao cán bộ phụ trách liên hệ ngay với Công ty Cấp nước Tân Hòa. Ít hôm sau, công ty này cử đội thi công lắp đặt hệ thống nước sạch ở hẻm 291 Trường Chinh và 62 Trương Công Định. “Thấy nhiều việc lớn đến việc nhỏ nêu ra trong tổ dân phố được phường giải quyết nhanh như thế, nên ai cũng náo nức đi họp tổ dân phố!” - bà Lê Thị Ngọ ở hẻm 291 Trường Chinh, vui vẻ nói.
Cách làm hay, kinh nghiệm tốt
Để giải quyết tốt bức xúc từ cơ sở, Quận ủy quận Tân Phú xây dựng quy trình, bước đi cụ thể và kế hoạch “đối thoại với dân” để nghe dân nói. Mấy năm trước, bình quân mỗi năm, quận Tân Phú tổ chức trên dưới 10 cuộc đối thoại với các tầng lớp thanh niên, công nhân, phụ nữ, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp… về các lĩnh vực họ đang quan tâm.
Ở quận 4, mỗi khi lãnh đạo quận trực tiếp xuống gặp dân đều có các phòng ban chức năng đi cùng để tiếp nhận và giải quyết ý kiến của dân. Còn ở xã Phú Xuân huyện Nhà Bè, lãnh đạo xã tiếp dân hàng ngày và giải quyết tại chỗ những lĩnh vực thuộc thẩm quyền…
Bí thư Đảng ủy phường 14 quận Tân Bình Nguyễn Thị Hồng Tiến, hiến kế: “Làm việc gì cũng phải có quy chế!”. Hiện nay, phường 14 xây dựng “bộ quy chế” giải quyết việc dân, bao gồm quy chế tiếp dân, giải quyết đơn thư, nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công khai tài chính, đồng thời phân công rõ trách nhiệm từng người, bộ phận chức năng giải quyết kiến nghị của dân. “Hàng tháng, mỗi đơn vị kiểm điểm từng CBCC. Đây cũng cách để đánh giá năng lực, trình độ và ý thức phục vụ nhân dân của từng CBCC, qua đó kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc và cải tiến thủ tục hành chính” - Bí thư Đảng ủy phường 14 Nguyễn Thị Hồng Tiến nhận định.
Còn tại phường 8 quận Phú Nhuận, Đảng ủy, MTTQ luôn đôn đốc, giám sát UBND phường trả lời dân. Những kiến nghị cấp bách trong thẩm quyền thì UBND phường làm dứt điểm trong thời gian sớm nhất như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Còn những việc ngoài thẩm quyền thì phường làm công văn kiến nghị, đồng thời giao CBCC đeo bám, theo dõi tiến độ thực hiện. Nếu thấy các ngành chức năng vướng mắc chỗ nào hoặc không làm, phường đều báo cho dân biết trong các buổi họp tổ dân phố. “Đối với các dự án lớn xây dựng trên địa bàn phường, TP cần có quy định cụ thể ràng buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm pháp lý cùng với UBND phường giải quyết khúc mắc của dân khi các công trình xây dựng đó làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân” - Chủ tịch UBND phường 8 quận Phú Nhuận Nguyễn Thị Thu Thảo kiến nghị.
TUẤN SƠN