
Ngày 5-12-2013 sau khi UNESCO tuyên bố tôn vinh đờn ca tài tử là một Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, tất cả người Việt trong và ngoài nước ai nghe cũng đều vui mừng sảng khoái. Tuy tôi cũng rất vui nhưng đối với tôi việc vinh danh hay không chẳng có gì quan trọng, vì không phải nhờ sự vinh danh này mới nhận thức được giá trị của đờn ca tài tử.

GS Trần Văn Khê và học trò, nghệ sĩ Hải Phượng hòa tấu những nhạc khúc dân tộc. Ảnh: Khánh Vân
Tôi sinh ra trong một gia đình 4 đời nhạc sĩ: ông cố nội tôi là nhạc sĩ Trần Quang Thọ, một nhạc công trong dàn nhạc cung đình Huế vào Nam sinh sống và dạy đờn tỳ bà; ông nội tôi là Trần Quang Diệm, một danh cầm tỳ bà được ưa chuộng đến đỗi một chính khách Diệp Văn Cương sành điệu đờn ca tài tử nói rằng sau khi nghe ông Năm Diệm đờn tỳ bà, Tư Triều (nhạc sĩ Nguyễn Tống Triều) đờn kìm thì tôi không còn muốn nghe ai khác đờn nữa, sau này nhà khảo cổ Vương Hồng Sển cũng đam mê đờn ca tài tử - cải lương có thêm câu “Theo tôi thì tiếng đờn kìm của Bảy Triều (Trần Quang Triều - thân phụ tôi) có phần sâu sắc hơn”. Sống trong không gian đờn ca tài tử như thế tôi đã ưa thích, say mê đờn ca tài tử từ lúc nhỏ và sau một thời gian lạc đường, tìm hiểu, học hỏi nhạc phương Tây, tôi trở lại với đờn ca tài tử từ năm 1953 mãi đến ngày nay.
Tôi đã giới thiệu đờn ca tài tử cho UNESCO từ năm 1963 khi cơ quan này chưa định tôn vinh đờn ca tài tử là Di sản phi vật thể, nhưng muốn thực hiện một đĩa hát mang tên Tuyển tập các tiết mục âm nhạc truyền thống các nơi có giá trị. Trong tuyển tập này tôi đã giới thiệu 2 bài Tứ đại oán và Vọng cổ do Bạch Huệ ca, trong dàn đờn phụ họa thì bác Sáu Tửng (thân phụ Bạch Huệ) thủ vai đờn kìm, tiết mục đó được có mặt trong đĩa hát mang nhãn hiệu UNESCO, tức là gián tiếp UNESCO đã thừa nhận rằng đờn ca tài tử là một bộ môn nghệ thuật xứng đáng có mặt trong tuyển tập đó.
Đến năm 1973, sau khi nhạc sư Vĩnh Bảo và tôi thu một đĩa hát đờn ca tài tử cho Đài Phát thanh Pháp mang tên Âm nhạc truyền thống miền Nam rất được hoan nghinh thì chính UNESCO đã phái chuyên gia Hubert de Fraysec tìm tôi để ghi âm một đĩa đờn ca tài tử, trong đó nhạc sư Vĩnh Bảo và tôi hòa 2 bài Tây Thi và Cổ bản, nhạc sư Vĩnh Bảo độc tấu 3 bài Nam cùng bài Tứ đại oán, có đủ phần Rao lúc đầu. Như vậy là từ năm 1974 gián tiếp UNESCO nhìn nhận rằng đờn ca tài tử có một giá trị nghệ thuật xứng đáng cho mình bỏ tiền ra làm một đĩa hát đặc biệt dưới danh hiệu Musical Sources (nguồn gốc Âm nhạc) và được phát hành trong loạt đĩa mang nhãn hiệu UNESCO (UNESCO Collection).
Đến nay bộ môn nghệ thuật này đã tiến bộ rất nhiều và rất mau, hiện tại là một bộ môn nghệ thuật được nhiều người thích thú tham gia nhất trong các bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đờn ca tài tử được xem như một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người miền Nam nước Việt và trong những năm gần đây đã được người Việt miền Trung, miền Bắc ưa chuộng ngang qua bài Vọng cổ, người Việt nước ngoài khắp năm châu khi nghe Rao Vọng cổ và ca một bài, đa số đều không cầm được nước mắt.
Đờn ca tài tử có nhiều nét đặc thù mà các bộ môn nghệ thuật khác không có:
Thứ nhất, đờn ca tài tử là một sinh hoạt văn hóa rất dân chủ, người Việt trong các tầng lớp đều có thể tham gia chơi đờn ca tài tử. Khi vào dàn nhạc để hòa chung với nhau thì nếu anh thợ hớt tóc hoặc anh chèo đò có tiếng đờn hay đều được tôn trọng hơn cả những người có chức vị lớn trong xã hội.
Thứ hai, người đờn ca tài tử lúc đầu chỉ đờn cho mình, bạn bè, người chung quanh nghe chơi để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà không dùng nghệ thuật đó làm kế sinh nhai. Nếu không thích đờn thì dầu cho có đưa ra mấy cây vàng cũng không mời được người tài năng đờn ca tài tử biểu diễn. Tính chất “tài tử” và “bất vụ lợi” là như thế.
Thứ ba, trong các bộ môn âm nhạc thính phòng như ca trù miền Bắc, ca Huế miền Trung thì ca nương là người quan trọng nhất buổi biểu diễn, người đờn chỉ là phụ họa theo vì thế các bộ môn đó mang tên “Ca trù, Ca Huế…” mà không có chữ “đờn”. Riêng miền Nam dàn đờn quan trọng nhất, tiếng ca phụ thuộc theo tiếng đờn nên mang danh hiệu “Đờn ca tài tử”.
Thứ tư, tuy là một bộ môn nghệ thuật vừa mang tính cách nhân gian đại chúng, nhưng cũng hàm chứa tính cách bác học và muốn trở nên một người đờn ca tài tử được ưa thích cũng phải “tầm sư học đạo” và rèn luyện ngón tay đờn, lỗ tai nghe chứ không như các nghệ thuật dân gian khác không cần khổ luyện cũng có thể biểu diễn (tiếng hát ru, câu hò, điệu lý).
Thứ năm, đặc biệt nhất là tính chất ngẫu hứng trong khi biểu diễn và khi thể hiện bản nhạc, bài ca đơn giản dưới hình thức lòng bản mà phong phú, bay bướm, mượt mà, uyển chuyển dưới hình thức câu rao mở đầu và những câu biến khúc trong lúc đờn.
Thứ sáu, người sành điệu đờn ca tài tử dù cho ở địa phương nào cũng biết cách thực hiện rõ ràng và đầy nghệ thuật những hơi Bắc, hơi Nam, hơi Xuân, hơi Ai, hơi Oán, hơi Hạ. Tuy vậy mỗi nơi đều có một sắc thái riêng và có những người rất sành điệu được những người mộ điệu tôn sùng như một “chủ soái”.
Ở Bạc Liêu có ông Nhạc Khị (Nguyễn Tài Khị) chẳng những giỏi về nhạc lễ mà đờn ca tài tử rất mùi, là thầy dạy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người đã sáng tác ra bài Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 chuyển sang nhịp 4, nhịp 8, nhịp 32. Nhờ sự đóng góp của bao nhiêu nghệ nhân tài năng từ khắp nơi và qua nhiều thời đại, khi biến thành bài vọng cổ thì tác giả không còn là Cao Văn Lầu nữa, mà bài vọng cổ là một sáng tác tập thể.
Ở miền Đông có nhạc sư Nguyễn Quang Đại (ông Ba Đợi) hệ thống hóa các bài bản họp thành 20 bài tổ và ông được rất nhiều người yêu đờn ca tài tử tôn làm thầy. Ở miền Tây (Vĩnh Long) có Kinh Lịch Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn) cũng thông thạo bài bản đờn ca tài tử, lại còn có ý cải tiến nhạc cụ và sáng tác một số bài thuộc về đủ các hơi trong đờn ca tài tử, nhưng ít được phổ biến. Thí dụ như trong các bài của ông có bài Dạ bán chung thinh (nửa đêm nghe tiếng chuông chùa nhớ bạn) không được phổ biến bằng bài Dạ cổ hoài lang (nghe tiếng trống ban đêm nhớ bạn).
Tại Tiền Giang làng Đông Hòa có ông Ngoại tôi là Nguyễn Tri Túc chuyên đờn tỳ bà và đờn kìm, hai người con là Nguyễn Tri Lạc chuyên đờn cò, nhạc lễ và ông Nguyễn Tri Khương chuyên thổi sáo, ống tiêu cũng biết rành các nhạc khí khác. Ông Nguyễn Tri Khương có đặt nhiều bài mới theo phong cách đờn ca tài tử đã dùng cho gánh cải lương Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện (người thay cha mẹ nuôi tôi đến ngày khôn lớn) như Yến tước tranh ngôn (hơi Bắc), Phong suy trịch liễu (hơi Oán, gần hơi Xuân nữ), Thất trĩ bi hùng (hơi Ai oán) … Ở Làng Vĩnh Kim có ông Nội tôi là Trần Quang Diệm chuyên đờn tỳ bà, cô Ba Viện chuyên đờn tranh, cha tôi là Trần Quang Triều chuyên đờn kìm đã sáng tác cách lên dây Tố Lan, hiện nay nhiều nghệ nhân còn nhớ đến.
Cũng trong tỉnh Tiền Giang (Cái Thia) có dàn nhạc đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều là người đầu tiên đã nghĩ ra cách sắp người ca tài tử đứng ca, tiền thân của ca ra bộ và cải lương sau này. Dàn nhạc của ông Nguyễn Tống Triều được mời sang Pháp tham dự triển lãm thuộc địa năm 1902 và đã làm cho đờn ca tài tử nổi danh tại xứ Pháp.
Một bộ môn nghệ thuật bao gồm tinh hoa của dân ca, nhạc lễ, nhạc thính phòng, nhạc cung đình Huế được người nghệ sĩ miền Nam thích nghi theo quan điểm thẩm mỹ của miền Nam tạo thành một bộ môn nghệ thuật rất phong phú, đa dạng, tinh tế… nay lại được rất nhiều người mộ điệu tham gia tạo nên một phong trào biểu diễn nhạc cổ truyền rộng rãi, rất xứng đáng được tôn vinh là một Di sản phi vật thể đại diện nhân loại.
GS-TS TRẦN VĂN KHÊ
Bình Thạnh, ngày 11-12-2013