Ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết: “Người dân trên địa bàn sản xuất hoa kiểng ước khoảng 697ha, với hơn 2.300 hộ tham gia. Giá trị sản xuất hoa kiểng hàng năm đạt khoảng 1.920 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản suất toàn ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, năm 2021 số lượng hoa kiểng tiêu thụ giảm mạnh; trong khi nguyên liệu đầu vào như phân rơm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng. Ngoài ra, các điểm làm du lịch cộng đồng từ ngành hoa kiểng bị đóng cửa kéo dài, ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của người dân, hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng”.
Ông Cao Văn Hai (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) than thở: “Năm 2018, các thành viên trong gia đình quy hoạch lại hơn 6ha đất để mở điểm tham quan vườn hoa, với giá vé 10.000 đồng/người; trung bình đón khoảng 40.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh vào dịp tết mỗi năm. Tuy nhiên, thời gian qua điểm tham quan tạm đóng cửa đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của gia đình”.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, bà Cao Thị Thanh Mỹ (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) cho biết: “Trong hơn 3 tháng qua, với diện tích khoảng 7.000m2, cơ sở hoa kiểng của tôi mất trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, số lượng hoa kiểng bị thiệt hại cũng nhiều, bởi các đơn hàng không xuất bán được”.
Tại làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre), cũng như nhiều hộ khác, cơ sở của bà Nguyễn Thị Nga chuyên sản xuất hoa treo phục vụ thị trường quanh năm, như: hoa đồng tiền, hạt ngọc, hạt dưa xanh, hạt dưa trắng… với số lượng hàng ngàn chậu. Mấy tháng nay, bà Nga không bán được hàng, trong khi các chi phí nhân công, phân thuốc, tiền chậu, móc treo… lại tăng, khiến bà thiệt hại nặng.
Đến thời điểm hiện tại đã có tín hiệu vui trong công tác phòng chống dịch, khi nhiều địa phương ở ĐBSCL trước đây là “vùng đỏ” thì giờ đã trở lại “vùng xanh”, vì vậy ngành chức năng đang khẩn trương khôi phục sản xuất, trong đó có các loại nông sản phục vụ thị trường tết 2022.
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm hội quán “Tôi yêu màu tím” ở TP Sa Đéc, nhận định: “Thời điểm này nông dân đã chuẩn bị các loại hoa kiểng phục vụ tết, nhưng dự báo số lượng sản xuất giảm khoảng 50% so với mọi năm, chỉ còn khoảng 100.000 chậu hoa kiểng phục vụ tết”. Còn theo bà Cao Thị Thanh Mỹ, thành viên hội quán, mọi năm cơ sở của bà cung cấp khoảng 10.000 chậu hoa tết các loại cho đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM), nhưng năm nay vẫn chưa dám sản xuất nhiều.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc Nguyễn Văn Hon khẳng định, thành phố đã khuyến cáo người dân cân nhắc xuống giống hoa kiểng phục vụ tết 2022 một cách phù hợp nhằm tránh nguy cơ gặp khó về đầu ra.
Theo ông Hon, TP Sa Đéc đã hỗ trợ để người dân đăng ký các mặt hàng hoa kiểng vào trang web của Bộ NN-PTNT. Hiện HTX hoa kiểng Tân Quy Đông đang hoạt động trên website “danh sách các đầu mối cung ứng nông sản miền Nam” để tiêu thụ hoa kiểng. Thời gian tới, TP Sa Đéc sẽ phối hợp với các ngành của tỉnh nhằm xúc tiến sản phẩm hoa kiểng để tiêu thụ tại Hà Nội, TPHCM và các nơi khác.
Tại Bến Tre, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, khẳng định, làng nghề hoa kiểng của huyện được người dân sản xuất quanh năm với khoảng 17 triệu sản phẩm, nhưng tết vẫn là mùa chủ lực. Năm nay, dự kiến sản lượng hoa tết năm 2022 của huyện sẽ còn khoảng 50% so các năm trước.