Đồng bằng sông Cửu Long tất bật lo hàng tết

Những ngày cuối năm 2017, các làng nghề truyền thống tại vùng ĐBSCL đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cung ứng dịp Tết cổ truyền. Nhịp sống hối hả hơn ở những làng nghề như làng cá khô Cái Đôi Vàm (Cà Mau), tôm khô Hà Tiên, làng hoa Sa Đéc, Cái Mơn…

Sản xuất tôm khô ở cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Ánh, phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên
Sản xuất tôm khô ở cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Ánh, phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên

Tôm khô, cá khô vào vụ

Những ngày này, làng cá khô Cái Đôi Vàm (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) tất bật vào vụ, chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết sắp tới.

Với 20 năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Chẵn (khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) cho biết thời điểm này là lúc làng cá khô biển hoạt động mạnh nhất vì ai cũng tranh thủ nguồn hàng để cung ứng vào dịp tết. Gia đình ông Chẵn đã nâng sản lượng cá khô lên gấp đôi so với mọi năm. Hiện giá các loại cá khô trung bình dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, loại cá. “Từ nghề này, gia đình tôi có thu nhập ổn định, với khoảng 4 nhân công. Đây cũng là nghề kiếm sống của nhiều gia đình ở đây”, ông Chẵn cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Nguyên Chị (cùng ngụ khóm 4) cho hay: “Nhờ có nghề làm cá khô mà nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương có việc làm. Vào dịp tết này, khi các cơ sở làm hàng nhiều thì lao động có thu nhập càng cao. Trung bình nhân công làm cá khô mỗi ngày kiếm 150.000 - 200.000 đồng.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: Làng nghề cá khô Cái Đôi Vàm nổi tiếng khắp nơi bởi các mặt hàng đặc trưng như cá trích, cá mối, cá đù…, trong đó nổi bật nhất là khô cá khoai. Sản phẩm cá khô làm ra được tiêu thụ ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận.

Lâu nay, tôm khô Vinh Kim (Trà Vinh) đã vang danh miền Tây. Song ở ĐBSCL còn nhiều vùng làm tôm khô nức danh. Trong đó, phải kể đến tôm khô Hà Tiên làm từ nguyên liệu tôm tươi sống được đánh bắt tự nhiên. Với vị ngọt, thơm đặc trưng ít nơi nào sánh được, làng tôm khô Hà Tiên đã sẵn sàng cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay.

Với 42 năm tạo lập, cơ sở sản xuất tôm khô của bà Nguyễn Thị Ánh (61 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Tô Châu) được xem như một trong những cơ sở sản xuất tôm khô lớn ở thị xã Hà Tiên. Tất cả quy trình làm tôm khô được gia đình bà Ánh làm thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng tôm khô luôn được đảm bảo. Chọn tôm tươi sống để làm nguyên liệu được xem như “bí quyết” mà 42 năm qua sản phẩm đặc sản tôm khô của bà Ánh luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh tín nhiệm. Để việc phơi sấy không lệ thuộc vào thời tiết, 3 năm trước, bà Ánh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng lò sấy, máy tách vỏ tôm. Khoảnh sân phơi trước nhà cũng được bà tráng xi măng cao ráo để thuận tiện cho việc phơi tôm vào mùa nắng.

Ông Lý Thái Hưng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hà Tiên, cho biết: “Thị xã có khoảng 200 hộ theo nghề sản xuất tôm khô, hiện đang là lúc các cơ sở sản xuất tôm khô đang chuẩn bị hàng tết để phục vụ thị trường. Về việc xây dựng thương hiệu tôm khô Hà Tiên, chúng tôi đang chuẩn bị các bước để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2018”. 

Hoa kiểng, cây trái vào mùa

Năm nay, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) dự kiến cung ứng khoảng 2 triệu giỏ hoa các loại cho thị trường hoa tết. Vụ hoa tết này, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng và tung ra thị trường nhiều giống hoa mới lạ.

Ông Trần Văn Tiếp (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cho biết, ông chuẩn bị khoảng 40.000 giỏ hoa mới để cung ứng cho thị trường. Về giá cả, những dòng hoa mới bán rất có giá, có thể tăng lên 30% so với những dòng hoa cũ. Nông dân Hồ Hữu Tài (ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) cũng đang chuẩn bị hơn 1.000 giỏ hoa cúc Nhật, là giống cúc lần đầu tiên được trồng ở Sa Đéc với nhiều màu sắc khá bắt mắt. Ông Tài phấn khởi nói: “Cúc Nhật này mình trồng bán tết chắc được nhiều khách hàng ưa chuộng vì nó mới có năm nay. Đây là loại dễ trồng và sức sống mạnh lắm”.

Tại làng hoa Chợ Lách (Bến Tre), các nhà vườn cũng đang tất bật sản xuất, phục vụ thị trường tết. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, dự kiến các hộ dân trồng hoa trong huyện sẽ cung ứng ra thị trường khắp nơi khoảng 8 triệu chậu hoa kiểng các loại. Ngoài những loại hoa kiểng truyền thống, kiểng thú hình 12 con giáp đang được các nhà vườn phát huy lợi thế, bởi nhu cầu thị trường các nơi rất ưa chuộng.

Riêng trái cây “độc, lạ” năm nay dự báo sẽ hạn chế nguồn cung do ảnh hưởng thời tiết, giá bán cũng cao hơn mọi năm. Theo ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), năm nay bưởi ra hoa sớm từ tháng 4 sẽ cho trái thu hoạch trước tết, rồi thì kiểng thú cũng rất phong phú với dáng voi, hươu, chim, kỳ lân, tỳ hưu…

“Xứ mình có nhiều nghệ nhân làm kiểng thú tài hoa, tạo hình trên cây si hay cây xanh. Những loại cây này không có bông hoặc nở một lần trong năm, còn cây bông trang thì có quanh năm, nên khi chế tác rất đẹp”, nghệ nhân Năm Thoại tâm đắc.

Anh Huỳnh Thanh Khoa (ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng thông tin, hiện đã có nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng trái xoài in chữ thư pháp. “Thời tiết không thuận lợi, nên xoài cho trái thế nào chưa biết nên không nhận cọc. Số lượng xoài in chữ làm theo đơn đặt hàng nên chưa biết cụ thể sản xuất bao nhiêu trái. Về giá cả, loại 1 chữ có giá khoảng 200.000 đồng, còn loại 2 chữ có giá khoảng 300.000 đồng”, anh Huỳnh Thanh Khoa nói.

Tin cùng chuyên mục