Đồng cảm xóa bỏ kỳ thị

MAI PHẠM
Đồng cảm xóa bỏ kỳ thị

Đề tài nóng nhất trên báo chí Đức hiện nay là câu chuyện liên chính đảng bảo thủ cầm quyền đang bị chia rẽ vì những chính sách liên quan đến người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi của Thủ tướng Merkel. Trong khi bà Merkel được ca ngợi là nữ anh hùng trong mắt người nhập cư thì uy tín của bà trong nước lại sụt giảm nhanh. Thống kê đến ngày 30-9 cho thấy, đã có hơn 400 đơn kiện bà Merkel vì cuộc khủng hoảng nhập cư. Ở thành phố Munich nơi tôi đang sống, câu chuyện này còn nóng hơn bao giờ hết bởi đây là một trong những khu vực tiếp nhận người nhập cư đông nhất cả nước.

Người Đức vốn hiền hòa, thẳng thắn và rất chăm chỉ. Đó là lý do vì sao kinh tế Đức luôn giữ được vị trí đầu tàu châu Âu từ nhiều năm qua. Người Đức cũng tương đối cởi mở với người nhập cư hơn so với các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu. Đối với những người Việt Nam sang Đức từ những năm 1980, tôi vẫn thường nghe họ kể lại về tính tốt bụng của những người bản xứ. Đối với tôi và thế hệ sau khi nhập cư đến Đức, chúng tôi hầu như không gặp bất kỳ rào cản nào vì người Việt Nam luôn được người bản xứ đánh giá là siêng năng, hòa nhập tốt. Nhưng chỉ trong những tuần gần đây, sự kỳ thị của những người Đức có xu hướng bài ngoại đang ngày càng gia tăng khiến những người nhập cư gốc Việt như chúng tôi cảm thấy bất an.

Hỗ trợ người nhập cư thức ăn khi đến TP Munich

Hơn 60.000 người nhập cư đổ về thành phố Munich trong mấy tuần qua  phần nào gây xáo trộn cuộc sống tại thành phố này. Theo dự kiến, số người nhập cư vào Đức trong năm nay có thể lên tới 800.000 hoặc 1 triệu người. Nỗi lo lắng hiện nay là tình trạng thù địch với người nước ngoài do chủ nghĩa cực hữu và chủ nghĩa bài Do Thái đang có nguy cơ trỗi dậy. Vào tháng 8, một cuộc bạo động ở Đông Đức do một nhóm ủng hộ đảng cực hữu tiến hành nhằm phản đối người nhập cư do đảng Dân chủ quốc gia (NPD) cực hữu khởi xướng ở vùng Heidenau gần thành phố Dresden đã làm ít nhất 31 cảnh sát bị thương. Nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và thành viên các nhóm quá khích như Hogesa đã nổ ra.

Tuy lo ngại an ninh ở Munich nhưng cộng đồng người Việt vẫn cùng chung tay giúp đỡ cho người nhập cư. Chúng tôi quyên góp tiền, thức ăn và quần áo cũ đến những trung tâm tiếp nhận người nhập cư để hỗ trợ họ. Chính quyền thành phố Munich khá nghiêm khắc đối với những ý kiến có ý định chia rẽ giữa các sắc dân trong cộng đồng. Chính vì vậy mà những hoạt động giúp đỡ thường không giới hạn trong một cộng đồng cụ thể nào, mà các sắc dân thường tổ chức và thực hiện cùng với nhau. Đối với chúng tôi hay những sắc dân khác, có lẽ sự đồng cảm đã giúp xóa bỏ những kỳ thị đối với dòng người nhập cư đang gây tranh cãi ở xứ người.


MAI PHẠM

Tin cùng chuyên mục