
Baiji, nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq ngày 30-12 đã bị đóng cửa sau khi có nhiều lời đe dọa của quân nổi dậy đòi giết chết các tài xế xe bồn chở dầu tới nhà máy. Hậu quả của việc đóng cửa nhà máy lọc dầu đang tác động nặng lên Iraq. Khắp nước Iraq đang thiếu điện trầm trọng.

Tổng thiệt hại ước tính do đóng cửa nhà máy Baiji là 20 triệu USD/ngày. Bộ Năng lượng Iraq cho biết họ hy vọng sẽ mở cửa trở lại nhà máy lọc dầu này trong vài ngày tới. Baiji hiện sản xuất 8,5 triệu lít xăng và 7,5 triệu lít dầu diesel mỗi ngày. Xuất khẩu dầu của Iraq cũng gặp nhiều khó khăn khi bão tuyết tràn ngập thành phố cảng Basra. Lời đe dọa trên một phần xuất phát từ việc chính phủ Iraq quyết định nâng giá dầu thô kể từ hồi đầu tháng.
Mặc dù hàng tỷ USD đã được bơm vào để nâng cấp cơ sở hạ tầng sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ nhưng sản lượng điện và dầu vẫn chưa trở lại mức như trước khi Mỹ xâm chiếm Iraq.
Trong khi đó, hàng loạt nước đã tuyên bố rút hoặc giảm bớt quân số tại Iraq. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Peter Pace, cho biết Mỹ sẽ rút một số quân khỏi các khu vực tại Iraq mà Mỹ cho rằng lực lượng an ninh Iraq có thể đảm đương nhiệm vụ. Quân Mỹ tại Iraq sẽ giảm từ 160 ngàn xuống còn 138 ngàn vào tháng 3-2006.
Ngày 30-12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cắt giảm 1/3 quân số tại Iraq. Quân số Hàn Quốc hiện nay tại Iraq là 3.200 lính, đông thứ ba sau Mỹ và Anh. Sau khi cắt giảm, quân số Hàn Quốc tại Iraq còn 2.300 và sẽ rút hết vào cuối năm 2006. Tân Tổng thống Ba Lan cũng vừa phê chuẩn quyết định của chính phủ, theo đó sẽ cắt giảm quân tại Iraq từ 1.450 quân xuống còn 900 quân vào tháng 3 và rút tất cả vào cuối năm 2006. Trước đó, Ukraine và Bulgaria đã rút hết quân khỏi Iraq. Italia cũng tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Iraq.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Ibrahim Bahr Al Uloum đã bị đình chỉ công tác, Phó Thủ tướng Amed Chalabi tạm thời thay thế.
V.M (Theo AFP, Washington Post)