Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tham dự diễn đàn có hơn 1.500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các chuyên gia về giáo dục.
Tại diễn đàn, đánh giá cao kết quả mô hình trường nghề với doanh nghiệp và sự gắn kết Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng nguồn lực của đất nước không phải ở tài nguyên thiên nhiên mà ở nhân lực. “Tôi đã nêu trước Quốc hội, nguồn lực phát triển đất nước ta không phải rừng vàng, biển bạc mà là gần 100 triệu người Việt Nam. Cho nên kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, kỹ năng quản trị từng ngành lĩnh vực địa phương, năng lực trí tuệ, năng lực nghề nghiệp của từng người trong đất nước quyết định sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hạng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã tăng 13 bậc (hiện xếp thứ 102 trên thế giới). Việt Nam cần phải nỗ lực để được xếp vào tốp 50 quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp tốt nhất. Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB-XH và các bộ ngành liên quan cần suy nghĩ để hình thành một hiệp ước xã hội về cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước về đào tạo nghề. Trong đó, doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung đào tạo và tiếp nhận học viên, nhà trường tập trung nâng cao chuyên môn và chất lượng đào tạo. Nhà nước có chính sách ưu đã đối với những doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo.
Từ một nghiên cứu gần đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 10-15 năm tới, có khoảng 1/3 công việc sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, robot... Khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng làm việc khi robot thay thế con người. Từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Trong đó, sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp để tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu đề xuất những giải pháp phát triển kỹ thuật, tay nghề cho lực lượng lao động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; hợp tác thiết thực giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đề xuất tại diễn đàn một số vấn đề để thực hiện chuyển đổi số cần có các nhà lãnh đạo số và nhân viên số. Phổ cập kỹ năng sử dụng các máy móc, các công cụ số, tự động hóa các quy trình sản xuất. Phổ cập dân trí số để mọi người Việt Nam đều biết tư duy số, tự động hóa các công việc của mình. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề xuất cần thành lập hội đồng kỹ năng ngành do doanh nghiệp dẫn dắt, khi am hiểu đào tạo nghề nhất chính là các doanh nghiệp. Sau diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về đẩy mạnh đào tạo nghề.