Đồng hành, chia sẻ với quê hương

Đồng hành, chia sẻ với quê hương

Trăn trở với thực tế đất nước còn khó khăn, sức cạnh tranh còn yếu, nhiều Việt kiều đã góp sức lực vào công cuộc đổi mới quê hương, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Mỗi việc làm dù nhỏ bé của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM đều bắt nguồn từ lòng yêu nước…

Đồng hành với đất nước từ những ngày đầu đổi mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Imex-Pan Pacific tại TPHCM bộc bạch: “Tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp trong bối cảnh đất nước chuyển mình đi lên với nhiều chính sách mở cửa. Trăn trở với câu hỏi làm gì để đóng góp sức mình vào công cuộc đổi mới này, tôi đã suy ngẫm, tìm tòi mô hình - hướng kinh doanh thích hợp nhất”.

Niềm vui của các kiều bào trong buổi họp mặt đầu năm 2010. Ảnh: Việt Dũng
Niềm vui của các kiều bào trong buổi họp mặt đầu năm 2010. Ảnh: Việt Dũng

Khởi điểm là dự án đầu tư mở đường bay giữa Việt Nam và Philippines. Không chỉ tạo bước đột phá mới trong hoạt động kinh doanh của công ty, thành công này còn tạo niềm tin các đối tác nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên đến 240 triệu USD, các dự án này đều thành công, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước và tạo việc làm cho 14.000 lao động. Không những thế, tập đoàn còn có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện ở quê nhà với số tiền ủng hộ là 5,4 tỷ đồng…

Tuy đã bước sang tuổi 75, nhưng Tiến sĩ khoa học Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật Bản), hiện là cố vấn ĐH Quốc gia TPHCM vẫn đầy tâm huyết với lĩnh vực công nghệ vi mạch - sản phẩm được Chính phủ Việt Nam coi là chủ lực.

Từ đề xuất thiết lập Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (gọi tắt là ICDREC - Integrated Circuits Design Research and Education Center), ông đã có nhiều đóng góp vào thành công của việc nghiên cứu chuyên sâu về khoa học công nghệ vi mạch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển công nghiệp vi mạch lẫn công nghiệp ứng dụng vi mạch.

Với vai trò làm cố vấn, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác hướng dẫn nghiên cứu, 5 năm qua ông đã dẫn dắt trung tâm đạt được nhiều thành công. Đó là các thiết kế và ủy thác chế tạo thử nghiệm thành công con chip TH 7150 (tháng 11-2009), đoạt giải VIFOTEC năm 2009; thiết kế và ủy thác chế tạo thử nghiệm thành công chip 32-bit VN1632 (tháng 4-2010).

Từ thành công này, TPHCM đã chọn đầu tư phát triển con chip thương mại SG801 (dự kiến hoàn thành vào năm 2011) và phát triển các hệ thống ứng dụng công nghiệp trong nước như bo điều khiển các thiết bị điện - điện tử gia dụng (máy giặt, máy điều hòa, TV... cho Tập đoàn Hòa Phát), hệ thống giám sát an toàn hàng hải (cho Tổng Công ty An toàn Hàng hải II)…

Đặc biệt, ông đã đề xuất, đứng tên việc thiết lập chương trình sau đại học vi điện tử, hướng vi mạch tại ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM năm 2007. Đây là chương trình chính quy sau đại học đầu tiên tại Việt Nam về vi mạch tại ĐH Quốc gia TPHCM được giảng dạy bằng tiếng Anh với nội dung tiên tiến nhưng học phí rẻ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho giáo dục và công nghiệp vi mạch.

Mỗi lần trở về quê hương, nhìn bà con nghèo, nhất là các cháu nhỏ ở vùng sông nước phải đi lại trên những cây cầu khỉ chông chênh không đảm bảo an toàn, ông Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp - thành viên Ban Chủ nhiệm Hội người Việt Nam tại Pháp) lại trăn trở với suy nghĩ phải làm điều gì giúp họ đi lại dễ dàng hơn. Thế rồi, ông đề ra sáng kiến tụ tập bạn bè kiều bào ở xa Tổ quốc và thành lập nhóm Việt kiều yêu quê hương, chia sẻ với cái khó của người dân trong nước.

Từ năm 2005 đến năm 2009, ông đã cùng nhóm Việt kiều này xây dựng 104 cầu bê tông thay thế những cây cầu khỉ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vốn am hiểu về cầu đường, vật liệu xây dựng, nên ông đã áp dụng công nghệ mới vào việc xây dựng cầu bê tông, giúp giảm giá thành, tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, những chiếc cầu nối niềm vui của người dân được xây dựng với giá thành rẻ nhất, hiệu quả cao nhất. Mỗi công trình hoàn thành đều được chuyển giao cho dân địa phương quản lý, miễn thu phí.

TRÙNG KHÁNH

Tin cùng chuyên mục