Đồng hành ở mức cao nhất

Hội nghị toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì trong ngày 17-2 với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành, cộng đồng doanh nghiệp (DN), các chuyên gia về tài chính, BĐS.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hội nghị thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực quan trọng này, nhằm đánh giá thực trạng của thị trường BĐS, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường BĐS tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.

Cùng ngày, UBND TPHCM cũng tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của DN trên địa bàn TP với sự tham dự của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và hơn 100 đại biểu là đại diện các hiệp hội, DN cùng sở, ban ngành. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cuối năm 2022, tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của DN trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin không khả quan đã được gửi đến chính quyền TP, đòi hỏi TP phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng của TPHCM.

Tại hội nghị toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” hôm qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết. Càng trong khó khăn, thách thức, các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, DN, ngân hàng, khách hàng) càng phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng quyết tâm xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, người dân và DN.

Còn Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của DN trên địa bàn TP ngày 17-2: DN cứ tự tin phản ánh để mối quan hệ giữa DN và chính quyền trong sáng hơn. Chính quyền đồng hành thì phải thấu hiểu nhu cầu của DN, muốn vậy phải lắng nghe, thực sự chia sẻ để tháo gỡ vướng mắc cho họ.

Ngay từ sớm, Chính phủ đã nêu rõ chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ là “đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Với tinh thần đó, khi tình hình kinh tế - xã hội có những vấn đề nổi lên, ví dụ như vừa qua là vấn đề thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, thị trường BĐS đóng băng, khan hiếm xăng dầu, chậm giải ngân vốn đầu tư công, thi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ… Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo. Hàng loạt hội nghị, cuộc gặp gỡ, văn bản chỉ đạo, thị sát đã được người đứng đầu Chính phủ thực hiện cũng như yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải sâu sát giải quyết.

Không chỉ ở Chính phủ, địa phương, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã có các kỳ họp bất thường của Trung ương, Quốc hội. Những kỳ họp bất thường đó cũng như những cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN của Chính phủ, chính quyền địa phương càng cho thấy trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, rất cần sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích chung của toàn hệ thống chính trị. Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường lắng nghe và chia sẻ, từ đó đồng hành với DN, đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vướng mắc, nhất là những vướng mắc kéo dài.

Chắc chắn, nếu có sự đồng hành ở mức cao nhất giữa chính quyền và DN, chúng ta sẽ đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, giải quyết những vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ những vấn đề mà DN, nhân dân đang gặp khó khăn, đặt nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục