Doanh nghiệp đề nghị nhanh chóng giảm lãi suất cho vay để phục hồi thị trường bất động sản

Doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn.

Tại hội nghị toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 17-2, các doanh nghiệp BĐS đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp BĐS. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế cũng như tín dụng.

Cụ thể, Novaland kiến nghị: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án BĐS từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Việc trợ giúp này rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước, sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova nêu kiến nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova nêu kiến nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ông Bùi Thành Nhơn cũng cho biết, lãi suất từ cuối năm 2022 tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Cũng theo ông Bùi Thành Nhơn, cần sớm ban hành Nghị định 65 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp, vì các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu. Không chỉ doanh nghiệp BĐS, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay BĐS cho từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư. Tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp BĐS, nên các chính sách tín dụng cần tránh “đột ngột” gây khó khăn cho doanh nghiệp như thời gian qua.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về tổng thể, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất, vì chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường BĐS đang trầm lắng, đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội. Trước hết cần thiết phải gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Tiếp đó cần cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, BĐS của công ty phát hành, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2022, tín dụng đối với BĐS của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, với dư nợ ở mức 2,58 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng khoảng 24,3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị về bất động sản. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị về bất động sản. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo lãnh đạo VCB, ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, đối với nhu cầu vốn còn lại, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu - đây là nguồn huy động vốn thích hợp cho BĐS. Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường BĐS, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cấp phép cho các dự án BĐS, bảo đảm tính đồng bộ trong các văn bản, quy định nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động của thị trường BĐS nói chung và hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực BĐS nói riêng.

Đối với các doanh nghiệp BĐS, cần tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Chỉ ra những khó khăn hiện nay của thị trường BĐS, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, vì chiếm đến 70% khó khăn. Tiếp đó là về tiếp cận nguồn vốn. Tiếp cận nguồn vốn thì có 4 nguồn lớn (nguồn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, từ thị trường chứng khoán, từ huy động của ngân hàng).

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn. Chỉ cho vay đối với những dự án đủ điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, dự án có điều kiện pháp lý, dự án có tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ.

Tin cùng chuyên mục