"Dậy, dậy đi học con!”
Từ tiểu học cho tới phổ thông, các buổi sáng ba vẫn thường đánh thức con như thế. Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả xóm gần như chẳng có khái niệm dùng đồng hồ. Ấy vậy mà con chẳng bao giờ đi học muộn. Bất kể buổi sáng hay buổi chiều, chỉ bằng việc nhìn độ cao của mặt trời, ba đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức thật hữu hiệu cho con.
Ba có thói quen dậy từ rất sớm, nhóm lửa pha trà ngồi đợi sáng. Khi mặt trời vừa nhú lên, xiên xiên những tia nắng đầu ngày ngang tàn cây bên hiên nhà là ba trở vào giường lay con dậy, hối đánh răng rửa mặt, ăn sáng và đi học. Cũng có hôm, khi nghe ba đánh thức, con vẫn cuộn tròn trong chăn rồi vừa ngái ngủ vừa làu bàu: “Hôm nay là chủ nhật mà ba!”. Vậy là ba lại cười xòa: “À, ba quên, thôi con cứ ngủ tiếp đi!”. Những ngày bão, mưa rả rích và mây mù che kín ánh mặt trời suốt cả ngày nhưng thật lạ, ba vẫn ước chừng thời gian khá chính xác. Còn nhớ những khi con học buổi chiều mà ba có việc phải đi đâu đó, sợ con mải chơi quên giờ nên ba bèn vạch ra sân hai vạch rồi bảo: “Con cứ đứng ở vạch này, khi nào thấy cái bóng của con vừa chạm vạch kia thì phải đi học nghe”! Nghe lời ba, cứ chốc chốc con lại chạy đến hai vạch ướm thử chiếc bóng của mình. Những ngày như vậy, thế nào buổi chiều cũng nghe ba hỏi: “Hôm nay con có bị trễ học không?”.
Ngày đầu tiên khi đi học xa nhà, con đã đến lớp muộn. Những hôm sau đó, con phải đặt đồng hồ báo thức vào mỗi buổi sáng. Cứ mỗi lần với tay để tắt chuông là con lại nhớ ba. Thỉnh thoảng về thăm nhà, dù chẳng có việc gì nhưng con vẫn muốn được ba đánh thức vào buổi sáng. Con ra trường đi làm, tuy không còn đánh thức mỗi buổi sáng nữa nhưng nếu biết con dự định làm gì đó quan trọng, sợ tính con hay quên nên ba vẫn thường gọi điện nhắc chừng. Cứ như vậy bao nhiêu năm rồi, “đồng hồ báo thức ba” vẫn gắn bó cùng con như thế, cần mẫn và thật đúng giờ. Ba ạ, con rất tự hào và hạnh phúc vì “chiếc đồng hồ độc đáo” của mình!
Phú Ly (linhphuc13…@gmail.com)
(Theo SGGPT7)