Xuất siêu ổn định
Sau thời gian kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, trong 2 tháng cuối năm, các ngành sản xuất ở Đồng Nai đang hồi phục, mức tăng trưởng khá cao. Chỉ riêng tháng 11- 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, riêng khối FDI đạt 1,35 tỷ USD, chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 5,8% cả nước), tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó, khối FDI đạt hơn 1 tỷ USD (chiếm 73,6% kim ngạch nhập khẩu của tỉnh), tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tháng 11-2020, Đồng Nai có mức xuất siêu khá cao là 374 triệu USD (cả nước xuất siêu 600 triệu USD), tăng 18,7 % so với cùng kỳ.
Tính chung năm 2020, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh tăng 4,44%, thu nhập bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng và thu ngân sách 54.203,7 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, kim ngạch xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (giảm 2,27% so với cùng kỳ), kim ngạch nhập khẩu đạt 14,7 tỷ đồng (giảm 6,91% so với cùng kỳ). Trong bối cảnh sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn duy trì mức xuất siêu ổn định, đạt khoảng 4,3 tỷ USD, cao hơn 1 tỷ USD so với năm 2019.
Cũng như nhiều ngành khác, ngành gỗ gặp khó khăn nặng nề trong 3 tháng liên tiếp (tháng 4 đến tháng 6-2020) bởi ảnh hưởng từ Covid-19, song mức độ hồi phục khá nhanh. Anh Trịnh Quang Ngọc, đại diện chi nhánh Công ty TNHH Đồ gỗ Vinh tại TP Biên Hòa, cho biết, trước dịch Covid-19, mỗi tuần các sản phẩm gỗ bán ra khoảng 100 triệu đồng, nhiều sản phẩm đồ gỗ được khách hàng xuất đi nước ngoài. Từ khi có dịch bệnh, công việc sản xuất ngưng trệ, có tuần không bán được gì, có tuần chỉ bán 5-10 triệu đồng, phải trả lương cho 5 nhân viên. Từ tháng 7-2020, các đơn hàng tạm dừng mới được khởi động lại, anh Ngọc nỗ lực tìm thêm thị trường mới để đảm bảo đầu ra. Mặt khác, nhiều đơn hàng từ các nước đã được luân chuyển về Việt Nam, trong đó có Đồng Nai nhờ có nhiều nhà máy lớn.
Tính đến tháng 11- 2020, kim ngạch xuất ngành gỗ ước tính đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ và trong tháng 11 đạt 177 triệu USD (chiếm 9,9% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), tăng 31% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và các mặt hàng gỗ thường được xuất khẩu tại các thị trường Hoa Kỳ (124 triệu USD), Hàn Quốc (16,6 triệu USD)... Tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt hơn 2 tỷ USD và năm 2030 trên 2,8 tỷ USD. Tỉnh đang nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, đưa chế biến và xuất khẩu gỗ thành ngành công nghiệp quan trọng, giữ vị thế đứng đầu cả nước. Từ đó, phát triển bền vững ngành sản xuất gỗ phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giữ vững thị trường chủ lực
Theo một số doanh nghiệp (DN) sản xuất tại các Khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Đồng Nai, đầu năm 2020, ngành dệt may chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu ngưng trệ thời gian dài, mức tăng trưởng giảm. 3 tháng trở lại đây, nhiều DN đã nhận thêm đơn hàng mới từ các nước có dịch, mức độ hồi phục các ngành sản xuất trong KCN đã đạt từ 85% đến 95%.
Anh Phạm Quốc Tuấn, nhân viên quản lý thị trường của một công ty tư nhân đóng trên địa bàn TP Biên Hòa, cho biết: “Để phục hồi sản xuất, các DN đang áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá tùy theo từng loại mặt hàng để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng để thu hồi vốn đầu tư. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng năm sau phải cao hơn năm trước để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.
Vấn đề giữ vững thị trường xuất nhập khẩu, trong đó ưu tiên thị trường có sức tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ là yếu tố quyết định, được các DN tỉnh Đồng Nai tập trung khai thác. Trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt gần 5 tỷ USD (chiếm 29%), tăng 1,9% so với cùng kỳ và riêng tháng 11- 2020, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đã đạt 535 triệu USD (chiếm 30% tổng kim ngạch), tăng 23% so với cùng kỳ, với các mặt hàng được ưa chuộng là giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị.
Theo bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, việc giữ vững các thị trường truyền thống rất quan trọng, trong đó Hoa Kỳ được coi là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN tại Đồng Nai. Do đó, các DN cần ổn định thị trường chủ lực, đồng thời chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất sau những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.