Đông Nam Á - Điểm đến hấp dẫn của FDI trong năm 2024

Theo Dự báo triển vọng Kinh tế toàn cầu quý 4 của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Công ty Tư vấn Oxford Economics của Anh, do các thách thức từ bên ngoài và nội địa, tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á sẽ đạt 4,3% trong năm 2023, 4,2% trong năm 2024.

ICAEW và Oxford Economics cho rằng các yếu tố làm giảm dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2024 bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm lại do tác động từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cùng sự suy giảm trong tiêu dùng tư nhân.

Tuy nhiên, Đông Nam Á đã thể hiện đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý 3-2023, nhờ điều kiện thương mại cải thiện đã đẩy mạnh tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng. Tăng trưởng xuất khẩu ở Singapore, Malaysia và Việt Nam đã mở rộng từ quý 2 sang quý 3-2023. Singapore và Việt Nam đều trải qua sự phục hồi đáng chú ý và cả hai thị trường đều giữ vị thế quan trọng trong thương mại điện tử.

10c-7474.jpg
Một nhà máy sản xuất ô tô tại Malaysia

Năm 2023, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia xuất khẩu hàng đầu khu vực, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều biến động. Dù có sự giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023 và 2024 so với mức trung bình trước Covid-19 là 7%, kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Dự báo, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng 5% trong năm 2024 và khởi sắc bứt phá trong trung hạn. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 và duy trì ở mức 6% trong năm tới.

Đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2023, các chuyên gia của ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam đã thể hiện sự vững vàng, sẵn sàng vượt sóng nhờ động lực cho sự phục hồi là xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng tư nhân.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nền kinh tế phương Tây tăng trưởng chậm lại đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được kỳ vọng tạo ra những nền tảng vững chắc để mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo ICAEW và Oxford Economics, FDI tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sẽ tạo đòn bẩy cho Đông Nam Á trong quá trình phục hồi thương mại toàn cầu. Việc chuyển đổi vốn FDI được phê duyệt sang FDI thực tế sẽ tăng tốc khi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng. Các nước Đông Nam Á có cơ sở sản xuất và xuất khẩu lớn cũng như lượng phê duyệt FDI vượt trội có thể sẽ có mức tăng lớn hơn. Sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ sẽ giúp mở rộng thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tiền tệ vào năm 2024. Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm bớt vào năm 2024

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các nước Đông Nam Á là đầu tư công và chi tiêu tiêu dùng, nhất là chi tiêu của du khách quốc tế đến mỗi nước. Bên cạnh đó, sự phục hồi về xuất khẩu điện tử, công nghệ… sẽ cải thiện hơn nữa triển vọng tăng trưởng của các nước trong khu vực. Lạm phát dự kiến tiếp tục giảm vào năm 2024 và vẫn nằm trong vùng an toàn của hầu hết các ngân hàng trung ương Đông Nam Á. Dự báo lạm phát ASEAN-6 gồm các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ giảm từ 3,6% vào năm 2023 xuống 3% vào năm 2024 và 2,8% vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục