Năm học 2015-2016 đã bắt đầu hơn một tháng, nhưng câu chuyện lạm thu đầu năm học vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Mới đây, việc hiệu trưởng một trường THCS ở tỉnh Hà Tĩnh bị đình chỉ công tác một tuần do ông này đề ra các khoản thu không hợp lý, gây bức xúc, tuy đã phần nào xoa dịu dư luận nhưng vẫn khiến hình ảnh trường học ngày càng xấu đi trong mắt phụ huynh.
Đây là trường hợp hiệu trưởng đầu tiên bị đình chỉ công tác vì các khoản thu vô lý của nhà trường. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thu - chi của ngành giáo dục có chuyện phụ huynh được hoàn trả lại tiền sau khi đã đóng vào “công quỹ”. Trước đó, dư luận từng lên án hành động phản cảm của một hiệu trưởng trường THCS ở tỉnh Thanh Hóa khi ông này nêu tên phụ huynh trước toàn trường chỉ vì phụ huynh không đồng ý với các khoản thu đầu năm của nhà trường. Không biết từ khi nào, nhà trường và phụ huynh đã vô tình đứng ở hai đầu cuộc chiến mang tên “tiền trường”. Và hình ảnh môi trường học đường, kể từ khi có đồng tiền len lỏi, đã bị hoen ố, trở thành nơi có quá nhiều chuyện “tế nhị”, không cần nói ra nhưng ai cũng biết và dù không muốn, vẫn phải làm theo.
Tuy nhiên, trong vô vàn câu chuyện kém vui đó vẫn có không ít trường hợp hiệu trưởng bỏ tiền túi ra xây trường hoặc mua thêm đồ dùng học tập cho học sinh. Hay như mới đây, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TPHCM đã đứng ra thành lập một quỹ học bổng mang tên trường với mục đích giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường và một số trường ở các phường lân cận. Tên gọi là “quỹ học bổng”, danh nghĩa là của tập thể nhưng thực chất nguồn tiền đều đặn được trích từ khoản thu nhập hàng tháng của chính hiệu trưởng, cộng thêm một phần đóng góp của các thầy cô. Thỉnh thoảng mọi người thấy hiệu trưởng có bài được đăng báo hoặc được mời đi nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp ở các trường bạn thì ngay hôm sau, toàn bộ số tiền thù lao đó đều được đóng góp vào quỹ học bổng. Có người cắc cớ hỏi vui, không biết có phải vì dành quá nhiều tình cảm và tâm huyết cho các thế hệ học trò mà nhiều năm qua, dù là hiệu trưởng của một trường THPT có tiếng nhưng thầy vẫn làm bạn với chiếc xe gắn máy đời cũ, mỗi buổi trưa vẫn đều đặn đến ăn cơm phần ở căn tin trong trường.
Kể ra như vậy để thấy ảnh hưởng của đồng tiền không phải lúc nào cũng xấu. Tiếc là trong xã hội ngày nay, những hành động đẹp, những tấm gương tận tụy như thầy hiệu trưởng trong câu chuyện kể trên không nhiều, trong khi lạm thu thì xuất hiện khắp nơi khiến người ta dễ có cái nhìn méo mó về ngành giáo dục. Song chỉ cần biết trân quý những tấm lòng cao đẹp và tin tưởng vào bản chất thanh cao của nghề giáo, chúng ta đã và đang vẫn có quyền hy vọng vào một môi trường giáo dục “sạch”, nuôi dưỡng nhân cách hàng vạn thế hệ con người.
THANH THU