Dự án cao tốc Bắc - Nam: Dân phải được biết và đồng tình ​

ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) băn khoăn về Dự án cao tốc Bắc - Nam tiêu tốn tới 10 tỷ USD (giai đoạn 1) thì dư luận phải được biết, phải tạo được sự đồng tình trong dư luận xã hội.
ĐBQH Phùng Văn Hùng
ĐBQH Phùng Văn Hùng

Trao đổi với báo giới xung quanh dự án đường cao tốc Bắc - Nam bên lề phiên họp ngày 5-6 của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho biết, dù là thành viên của cơ quan được giao trách nhiệm thẩm tra dự án, ông vẫn thấy chưa có đủ thông tin. Theo dự kiến, dự án đường cao tốc Bắc - Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét ngay tại kỳ họp này.

- PV: Thưa ông, theo tờ trình về dự án này, có tới 17/20 dự án thành được đề xuất làm theo hình thức BOT với nhiều cơ chế đặc thù. Trong khi đó, kết quả giám sát về các dự án BOT tuy chưa được công bố nhưng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm khiến dư luận bức xúc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông PHÙNG VĂN HÙNG: Tôi nghĩ rằng đại biểu Quốc hội sẽ đồng ý rất cao việc triển khai dự án rất quan trọng này, thậm chí lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi, chứ không phải đến bây giờ mới làm. Nhưng cá nhân tôi rất băn khoăn nếu chúng ta không làm theo quy trình chặt chẽ để đảm bảo rằng việc triển khai một dự án lớn như vậy được sự đồng thuận của xã hội và đảm bảo hiệu quả.

Đúng như bạn nêu, có 17 dự án thành phần trong tổng số 20 dự án thành phần của dự án này dự kiến được triển khai theo hình thức BOT. Các dự án BOT thời gian vừa qua, hiệu quả cũng tốt, nhưng cũng không ít vấn đề phát sinh, từ cơ chế chính sách cho đến mức thu phí, thời gian hoàn vốn, phân bổ lưu lượng giao thông giữa cao tốc với những đường có sẵn... Chính vì thế, để thuyết phục được ĐBQH thì Bộ Giao thông - Vận tải cần giải trình rõ hơn.

Thứ hai, dự án này trình ra quá gấp, ĐB chưa có điều kiện nghiên cứu sâu để đánh giá toàn diện.  

Đồng thời cũng phải cung cấp thông tin cho dư luận xã hội biết. Công trình lớn như vậy, tiêu tốn tới 10 tỷ USD (giai đoạn 1) thì dư luận phải được biết, phải tạo được sự đồng tình trong dư luận xã hội.

- Vậy theo ông, nên thế nào?

- Quan điểm của tôi là kỳ này trình ra Quốc hội để đại biểu thảo luận cho ý kiến. Cũng như dự án sân bay Long Thành, nên để Quốc hội thảo luận và thông qua tại 2 kỳ họp, tương tự cao tốc Bắc Nam cũng vậy. Từ nay đến kỳ họp tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về các dự án BOT giao thông. Với khối lượng công việc lớn, 2 kỳ họp theo tôi cũng đã là rất gấp gáp, các cơ quan nhà nước cũng phải làm việc rất tích cực.

- Theo ông, thông tin gì là thiếu nhất?

- Nguồn vốn. 17 dự án dự kiến triển khai theo hình thức BOT thì liệu có thu hút được vốn không, các nhà đầu tư có sẵn sàng không. Với sự tồn tại của Quốc lộ 1 cũng theo hình thức BOT, giờ lại có đường cao tốc nữa, thì cơ chế nào để chúng ta đảm bảo rằng việc thu hút được nguồn vốn là có cơ sở.

- Liệu có việc các nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1 hiện nay sẽ lo lắng vì bị cạnh tranh?

- Có. Do đó chúng ta phải tính toán sự gia tăng lưu lượng phương tiện để hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân.

- Hiện tại, ngay cả khi chưa triển khai dự án, đã có ý kiến lo ngại về nợ công rất cao và ngân sách còn khó khăn. Ông nghĩ sao?

- Đó là lo lắng chung của các vị đại biểu và như tôi đã nói, chính vì thế Chính phủ phải giải trình để Quốc hội và cả người dân hiểu thấu đáo các vấn đề, như thế mới tạo được đồng thuận.

Tin cùng chuyên mục