Những câu chuyện dân gian được chọn lọc trong chương trình phổ thông luôn mang những cái kết đóng, rập khuôn. Với mong muốn giúp học sinh có thể sáng tạo và thể hiện những ý tưởng của mình thông qua chương trình học, một số thầy cô trẻ Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TPHCM) đã lập dự án “Sáng tác và thiết kế sách truyện dân gian”, giúp học sinh hóa thân thành những nghệ sĩ dân gian để viết tiếp những tác phẩm văn học.
Học sinh Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý hóa thân vào những nhân vật trong truyện dân gian.
Lưu giữ và tiếp lửa
Không muốn đi trên lối mòn của việc nhồi nhét kiến thức và thu lại kiến thức trong những bài kiểm tra áp lực và căng thẳng, nhận thấy sự liên kết giữa hai bộ môn văn và tin học, các giáo viên Ngữ văn và Tin học Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý đã cùng nhau tìm ra những điểm chung của hai bộ môn và đưa ra hướng đi mới cho quá trình dạy và học. Trong xu thế dạy và học mới, học sinh sẽ chủ động tìm hiểu kiến thức, trải nghiệm các vai trò xã hội, giáo viên sẽ là người hướng dẫn, gợi mở cho các em cách mở cánh cửa tri thức, bằng cách áp dụng kiến thức mà các em đã học trong hai môn Ngữ văn và Tin học.
Cô Nguyễn Thị Mỹ, thành viên dự án, chia sẻ: Lúc trước, các em từng được nghe bà, nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích với cô Tấm dịu hiền, ông Bụt tốt bụng hay những chân lý, đạo đức làm người “gieo nhân nào gặp quả ấy, ác giả ác báo, ở hiền gặp lành…”, giờ đây chính các em sẽ là tác giả cho những câu chuyện cổ tích ấy, chính các em sẽ là người nhìn nhận cuộc sống đời thường và xây dựng nhân vật, xây dựng kết cục cho câu chuyện của mình. Hơn thế nữa, chính các em sẽ là người thiết kế, in ấn, quảng bá cho sản phẩm của nhóm mình.
Đây chính là dịp để các em trải nghiệm các vai nhà văn, nhà thiết kế, nhân viên nhà xuất bản, thuyết trình viên, nhân viên in ấn… Cách làm này giúp học sinh vừa được trải nghiệm các vai trò xã hội, vừa lưu giữ được kho báu văn hóa dân tộc.
Mỗi tác phẩm là một màu sắc, ở đó học sinh có thể tự do sáng tạo theo ý mình và đều mang tính nhân văn trong mỗi cái kết của câu chuyện mà các em muốn truyền tải. Mỗi cuốn sách các em làm ra là hiện thân của niềm say mê chan chứa được thổi bùng ngọn lửa văn hóa dân tộc. Chính các thế hệ học sinh tham gia vào dự án sẽ là người gìn giữ, lưu truyền và phát huy sức sống của nền văn học dân gian, giúp chúng hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại.
Yêu hơn văn hóa dân tộc
Các tác phẩm truyện dân gian là kho báu văn hóa nhân loại. Thực hiện dự án này, nhóm giáo viên trẻ mong muốn sẽ thổi bùng ngọn lửa tin yêu, trân trọng kho báu văn hóa ấy trong tâm hồn mỗi học sinh. Đặc biệt, các tác phẩm truyện dân gian - từ cổ tích đến truyền thuyết, từ những câu chuyện cười đến truyện ngụ ngôn, tất cả đều có sức sống trường tồn với thời gian bằng sức hấp dẫn nội tại của nó. Lưu giữ được kho báu ấy là nhiệm vụ đồng thời cũng là niềm tự hào của thế hệ đi sau. Chính vì vậy, không dừng lại ở chặng đường đầu tiên, nhóm giáo viên làm dự án ấp ủ sẽ đưa dự án đến rộng hơn với nhiều thế hệ học sinh cũng như đến với học sinh các nước.
Trong tương lai, nhóm giáo viên và các em học sinh thực hiện dự án sẽ mở rộng đối tượng tham gia để học sinh các quốc gia cùng chung tay viết tiếp các tác phẩm truyện dân gian của nước mình. Trước mắt, nhóm giáo viên trẻ thực hiện dự án đã liên kết với Trường Taman Bukit Maluri, Kuala Lumpur, Malaysia để tổ chức cho học sinh hai trường hợp tác với nhau trong giai đoạn 2 của dự án.
Các câu chuyện dân gian mà các em nhập vai để hóa thân nằm trong phạm vi chương trình Ngữ văn lớp 10. Theo thầy Huỳnh Bảo Thiên, thành viên dự án, trong năm học tiếp theo, dự án sẽ mở rộng phạm vi các tác phẩm truyện dân gian. Theo đó, học sinh sẽ được lựa chọn viết tiếp bất kỳ một tác phẩm truyện dân gian nào mà mình yêu thích nhất.
THÀNH SƠN