Dự báo chi tiết hơn vùng lũ quét và sạt lở

Ngày 1-6, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống tình trạng mưa lũ, sạt lở, lũ quét thường xuyên xảy ra ở các khu vực miền núi. 
Toàn cảnh hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức
Toàn cảnh hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, thiệt hại do thiên tai gây ra ở miền núi là rất lớn và khó phục hồi. Tâm điểm sạt lở là khu vực từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc, trong năm 2016, đã có 109 người chết và mất tích do thiên tai, trong đó có 49 người chết và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, thiệt hại về vật chất hàng ngàn tỷ đồng. Thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền núi nói chung là thách thức nhiều năm qua và chưa được giải quyết triệt để.

Trong khi đó, việc di dời dân sống ở khu vực nguy cơ cao về thiên tai rất khó khăn, đặc biệt là thiếu quỹ đất. Đến nay mới di dời được gần 10.000 hộ, đạt 46%. Địa điểm di dời đến cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Tập quán và điều kiện sinh sống tại nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển; kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng so với nhu cầu, nhiều dự án bị kéo dài, hiệu quả không cao… Công tác dự báo và cảnh báo mưa, lũ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề xuất cần xây dựng tiêu chí công trình an toàn trước thiên tai, đặc biệt là nhà ở, trên cơ sở này tổ chức rà soát, đánh giá và di dời hoặc nghiêm cấm xây dựng công trình, nhà ở tại nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nhanh chóng khảo sát, đánh giá phân vùng về rủi ro lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để chính quyền địa phương cập nhật, bổ sung phương án ứng phó và thông tin đến người dân. Những vùng có nguy cơ cao phải nỗ lực di dời và bố trí lại dân cư. Tăng cường năng lực dự báo chi tiết đến từng khu vực để người dân có thể chủ động phòng tránh hiệu quả hơn.  

Tin cùng chuyên mục