Dự báo tăng trưởng quý II-2016 khoảng 6,17%

Tăng trưởng kinh tế quý II -2016 ước khoảng 6,17%, lạm phát cùng kỳ tăng 0,73% so với quý I – đó là những dự báo được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung đưa ra sáng 22-4, tại cuộc hội thảo công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I-2016, tổ chức tại Hà Nội.
Dự báo tăng trưởng quý II-2016 khoảng 6,17%

(SGGPO).- Tăng trưởng kinh tế quý II -2016 ước khoảng 6,17%, lạm phát cùng kỳ tăng 0,73% so với quý I – đó là những dự báo được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung đưa ra sáng 22-4, tại cuộc hội thảo công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I-2016, tổ chức tại Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Cung cũng nhìn nhận, tăng trưởng xuất khẩu quý II-2016 đạt khoảng 8,02% so với cùng kỳ năm 2015, song cán cân thương mại sẽ âm khoảng 420 triệu USD do nhập siêu.

Nhiều lần nhấn mạnh rằng tỷ lệ tăng trưởng chưa quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng thực sự, chuyên gia này khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu tâm tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất trong quý II. “Hội nhập kinh tế quốc tế ít chuyển biến trong quý II, song nếu có chính sách chuẩn bị, đón đầu phù hợp… có thể cho tác động sớm, tích cực. Tuy nhiên, việc chuẩn bị ở đây không chỉ là phê chuẩn (Hiệp định TPP – PV) mà còn là tăng cường thông tin và tham vấn”, Viện trưởng CIEM nói thêm.

Đáng lưu ý, TS Nguyễn Đình Cung nêu rõ quan điểm “giảm thu - giảm chi”, theo đó cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, chấm dứt điều chỉnh tăng các loại phí, thuế (thậm chí trong 5 năm tới); đồng thời rà soát lại các khoản mục chi để loại bỏ những khoản mục lãng phí, chưa cần thiết.

Đấu giá công khai tài sản nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh nghiệp đang có lãi, trong lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối; chấm dứt việc “cứu trợ” các doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả… cũng là những đề nghị quyết liệt của người đứng đầu CIEM, đại diện cho nhóm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia CIEM, Ngân hàng Nhà nước “nên xem xét lại chính sách lãi suất gửi đô la bằng không (0%) ở thời điểm này, vì sẽ làm ngoại tệ “chạy” ra nước ngoài, trong khi nền kinh tế còn đang rất thiếu vốn.  

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục