Đủ loại chứng chỉ, giấy phép “hành” doanh nghiệp đo đạc và bản đồ

Ngày 21-8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ. 
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Ban soạn thảo- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương, 63 điều. So với Nghị định số 45/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động đo đạc và bản đồ, dự thảo có một số nội dung mới về tăng cường phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ; việc tổ chức, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đo đạc và bản đồ; việc tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ…

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm cho rằng việc ban hành Luật Đo đạc và bản đồ trong thời điểm hiện tại là yêu cầu rất cấp thiết để thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng nhận xét, thực tế vẫn còn hiện tượng quản lý chồng chéo giữa các ngành tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông, nông lâm nghiệp… với “đủ loại chứng chỉ, giấy phép gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động đo đạc bản đồ”. Mặt khác, sản phẩm hoàn thành cũng không được giao nộp về một đầu mối để tích hợp, quản lý thống nhất, do vậy thông tin dữ liệu không đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, cá nhân.  

Đặc biệt, trong lĩnh vực quân sự, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, bản đồ là tài liệu chính để nghiên cứu, đánh giá địa hình, vẽ văn kiện tác chiến, bố trí lực lượng, định vị chiến trường… Hiện Bộ Quốc phòng đã sản xuất được các loại bản đồ giấy, hải đồ điện tử từ tỷ lệ 1/500 đến tỷ lệ 1/2.500.000 có phạm vi bao trùm toàn bộ vùng biển, đảo, thềm lục địa Việt Nam và toàn bộ Biển Đông.

Tuy nhiên, nước ta chưa có quy định Bộ Quốc phòng cung cấp sản phẩm đo đạc, vì sản phẩm đo đạc bản đồ của Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù và có tính bảo mật cao. Do vậy, nhằm đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, Bộ Quốc phòng đề nghị, dự án Luật Đo đạc và bản đồ cần phân định rõ ràng phạm vi nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình, tránh tình trạng 2 Bộ đều thực hiện nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình tỷ lệ trung bình và nhỏ, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ các loại thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thành lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được cung cấp miễn phí cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, dự Luật cần quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ theo những quy định riêng của pháp luật, không tổ chức giao nộp về Bộ Tài nguyên và Môi trường tương tự như quy định cho các Bộ, ban, ngành khác.

Tin cùng chuyên mục