Dù ở đâu cũng hướng về quê hương

Dù ở đâu cũng hướng về quê hương

(SGGP 12 G).- Chiều hôm nay, 29-8, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM sẽ nhận Huân chương Lao động hạng ba. Trong buổi lễ đón nhận huân chương này, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tặng bằng khen cho 3 kiều bào là ông Yung Cam Meng, ông Dương David Trung và bà Nguyễn Cao Thăng. PV SGGP 12 Giờ đã có dịp gặp và trao đổi với 3 gương mặt tiêu biểu này…

Ông Yung Cam Meng: Từ thiện là nghĩa cử tự nhiên

Dù ở đâu cũng hướng về quê hương ảnh 1
Ông Yung Cam Meng (Cẩm Minh) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Siêu Thanh Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ông Yung Cam Meng (Cẩm Minh) là một kiều bào VN tại Trung Quốc, ông về nước từ năm 1990 để tìm cơ hội đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Năm 1994, ông đã quyết định thành lập Công ty Siêu Thanh chuyên cung cấp các thiết bị văn phòng và ông đã thành công khi lựa chọn TPHCM để đầu tư. Sau 14 năm hoạt động, công ty đã có số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ đồng.

Là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Siêu Thanh, ông Cẩm Minh không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho gần 400 lao động mà còn giúp đỡ những phận đời bất hạnh thông qua những hoạt động từ thiện. Ông Cẩm Minh tâm sự: “Lúc nhỏ, tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó nên tôi rất hiểu và cảm thông sâu sắc với những hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn. Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh”.

Dù chỉ là “một phần nhỏ” như ông tự nhận, nhưng những nghĩa cử của ông đã đem lại rất nhiều hạnh phúc cho những bệnh nhân bị bệnh tim đang rất cần phẫu thuật, những bệnh nhân tật nguyền không có xe lăn, những bệnh nhân không được mổ mắt.

Trong tương lai, ông Cẩm Minh vẫn muốn tiếp tục đầu tư lâu dài trên quê hương mình. Cả gia đình ông đã chuyển về Việt Nam sống hơn 10 năm qua. “Trước đây vì hoàn cảnh, tôi đã cùng gia đình đi nước ngoài, nhưng tôi vẫn nhớ và suy nghĩ mình sẽ về Việt Nam khi có điều kiện. Và tôi đã thực hiện được ước mơ ấy: Chúng tôi đã được sinh sống ổn định tại quê hương”. Hiện ông đang mở rộng đầu tư trong lĩnh vực văn phòng, kinh doanh ô tô, mở nhà hàng.

Ông Dương David Trung: Dù ở đâu cũng hướng về quê hương!

Dù ở đâu cũng hướng về quê hương ảnh 2
Ông David Trung (bìa phải) giới thiệu về Khu liên hợp Đa Phước với Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Vào ngày 1-11-2007, TPHCM vui mừng vì Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) chính thức đi vào hoạt động, góp phần giải quyết bài toán “khủng hoảng” điểm tiếp nhận rác tại TPHCM. Khu liên hợp này đã đi vào hoạt động với công suất tiếp nhận 31.000 tấn/ngày và có thể tiếp nhận rác trong thời gian 21 năm.

Đây cũng là khu xử lý rác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, đó là công nghệ POSI- SHELL (chỉ mới được sử dụng ở Hoa Kỳ và đây là lần đầu tiên có mặt tại châu Á), sử dụng chất phụ gia keo được trộn chung với xi măng và bột vôi nhập khẩu từ nước ngoài, rồi phun lên bề mặt của rác.

Người đầu tư cho dự án này là ông Dương David Trung, kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ, là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), với tổng số vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Công ty VWS của ông David Trung thuộc Công ty California Waste Solutions (Hoa Kỳ) và công ty này đã rất thành công trong xử lý chất thải ở Mỹ, được Chính phủ Mỹ đánh giá cao.

Ông David Trung là một kiều bào rất năng nổ tham gia các hoạt động trong nước. Về sinh sống và làm việc tại quê hương, ông hiểu rất rõ rằng Đảng và Nhà nước luôn tạo những điều kiện, chính sách thuận lợi nhất cho kiều bào trở về đóng góp xây dựng đất nước. Ông nhấn mạnh: “Dù ở nơi nào, tôi cũng như các kiều bào khác đều luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương”.

Bà Nguyễn Cao Thăng: Để người bệnh được phục vụ tốt hơn!

Dù ở đâu cũng hướng về quê hương ảnh 3
Bà Nguyễn Cao Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dược phẩm OPV

Với mong muốn được phục vụ cho người dân quê hương, từ năm 1950, Công ty cổ phần Dược phẩm OPV đã được thành lập với việc mua lại một công ty dược phẩm của Pháp là Office Pharmaceutique du Vietnam (OPV). Từ một dược phòng nhỏ tại Huế, đến thập niên 70, OPV đã trở thành công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam, có tầm cỡ hàng đầu tại Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Người đã góp công lớn đưa OPV trở thành một công ty dược phẩm tầm cỡ quốc tế như hiện nay là bà Nguyễn Cao Thăng, một kiều bào VN sống tại Hoa Kỳ, đang là Chủ tịch HĐQT Công ty OPV. Bà Nguyễn Cao Thăng chính thức về Việt Nam để đầu tư từ năm 1994.

Bà tin rằng Việt Nam không có lý do gì mà không thể bắt kịp các nước đang phát triển khác trong khu vực ASEAN và châu Á. Từ lâu, bà đã có hoài bão xây dựng OPV đạt tới những tiêu chuẩn tối ưu của ngành dược quốc tế. Bà mong muốn cùng các công ty dược phẩm khác xây dựng ngành dược Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về chất lượng dược phẩm, đồng thời có giá cả phù hợp với người dân Việt Nam. Bà luôn sẵn sàng hợp tác cùng công ty dược phẩm nước ngoài để nâng cao trình độ công nghệ, ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Tất cả những cố gắng trong việc xây dựng thương hiệu OPV của bà nhằm mục đích để người bệnh được phục vụ tốt hơn, đồng thời tạo việc làm cho hơn 700 lao động trong nước. Bà nói: “Người Việt Nam có lòng tự hào dân tộc, giàu nghị lực và có khả năng tháo vát, kiên trì. Các chuyên gia y tế Việt Nam đã từng được thế giới thán phục, dù hoạt động trong điều kiện thiếu thốn nhưng vẫn đạt được những thành quả trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Diễm Lệ

Tin cùng chuyên mục