Đưa các dự án giao thông trở lại lộ trình

Bộ GTVT vừa cho biết, đến thời điểm này, nhiều dự án giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số dự án có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch năm 2021. Tình hình được dự báo là sẽ khả quan hơn khi cả nước bước vào giai đoạn thích ứng với dịch, các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch được nới lỏng.

Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã cơ bản hoàn thành nhưng phần khó khăn nhất còn lại (khoảng 10km, chiếm 2% tổng dự án) hầu như vẫn giậm chân tại chỗ hoặc tiến triển không đáng kể so với tháng trước, không đáp ứng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Bên cạnh đó, tiến độ thi công các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây...  đều bị chậm 1%-7% so với kế hoạch. Các dự án trọng điểm khác như đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành; dự án QL24, QL25; dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt Bắc - Nam... cũng đang chậm so với kế hoạch. Việc các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, xã hội của địa phương và cả quốc gia.

Thời gian qua, các nhà thầu huy động nhân lực, vật lực phục vụ dự án rất khó khăn, do các địa phương thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Việc kiểm soát phòng dịch trên công trường tuy được làm chặt chẽ nhưng vẫn có một số dự án có ca mắc Covid-19, phải cách ly nhân sự dài ngày.

Trong những ngày tới, khi các địa phương có kế hoạch cho giai đoạn bình thường mới sau ngày 15-9, việc huy động nhân lực và trang thiết bị cho các dự án sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thích ứng với dịch và đảm bảo an toàn, Bộ GTVT cần chỉ đạo các đơn vị, ban quản lý dự án tuân thủ quy trình hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quy tắc phòng dịch tại công trường. Theo đó, mỗi công trường dự án giao thông cần phải được coi là một “vùng xanh” để bảo vệ, kiểm soát chặt người ra vào, đặc biệt là đội ngũ lái xe, người giao nhận, nhân công thời vụ, công tác giao nhận hàng hóa, thực phẩm, vật liệu, vật tư... 

Giải pháp căn cơ hơn để bảo vệ nguồn nhân lực thi công dự án, đó là, Bộ GTVT cần kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành quan tâm, sớm tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ lực lượng lao động tại các dự án trọng điểm. Vấn đề cấp thiết này đã được ban quản lý các dự án nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. 

Cùng đó là có giải pháp đảm bảo nguồn vật liệu đất đá phục vụ đắp nền, do công suất khai thác mỏ vật liệu của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Có những dự án như: Mai Sơn - QL45 còn thiếu 600.000m3 đất đá; Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu 6 triệu m3 đất đá; Phan Thiết - Dầu Giây thiếu 2,5 triệu m3 đất đá... Trong bối cảnh công tác phòng chống dịch Covid-19 có thể phải kéo dài, Bộ GTVT cần yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo cung ứng đủ vật liệu cho các dự án trọng điểm.

Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực tìm kiếm các giải pháp phù hợp để sẵn sàng thích ứng với dịch. Với ngành giao thông, đây sẽ là giai đoạn quan trọng để lấy lại tiến độ cho các dự án. Việc tìm cách thúc đẩy tiến độ của những dự án giao thông trọng điểm mang ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế mà còn củng cố niềm tin về năng lực vượt qua khó khăn của đất nước,

Tin cùng chuyên mục