Đưa nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại TPHCM: Gieo hạt nhưng quên tưới

Công lập: Khởi mà chưa động
Đưa nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại TPHCM: Gieo hạt nhưng quên tưới

Chủ trương đưa nghệ thuật vào phục vụ nhu cầu giải trí của khách du lịch đồng thời nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đã được TPHCM triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên…

Công lập: Khởi mà chưa động

Ngay khi có chủ trương về việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch từ năm 2006, các đơn vị nghệ thuật công lập đã mạnh dạn bắt tay thực hiện. Thế nhưng, sau thời gian khởi đầu hồ hởi, đến nay, tất cả các chương trình của những đơn vị nghệ thuật công lập như: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM… đều mất hút, chẳng thấy động tĩnh gì để phục vụ du khách.

Mỗi khi có dịp đến TPHCM, nếu du khách muốn xem các loại hình nghệ thuật cải lương, hát bội, xiếc… chẳng biết đến đâu, trừ vài chương trình vào những ngày cuối tuần tại một số rạp hát.

Kịch “Người ngựa - ngựa người” trong chương trình sân khấu du lịch “Duyên Việt 1”.

Kịch “Người ngựa - ngựa người” trong chương trình sân khấu du lịch “Duyên Việt 1”.

Hầu hết các đơn vị này đều thụ động trong việc “tìm đầu ra” cho sản phẩm của mình. Tất cả dường như chỉ biết trông chờ vào Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH - TT và DL TPHCM). Chính vì thế mà từ mấy năm nay, các chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch gần như chưa một lần tái diễn.

Khi nhắc đến điều này, có người cho rằng các đơn vị nghệ thuật chỉ làm ra sản phẩm, còn việc đưa du khách đến xem là việc của các công ty lữ hành. Trong khi các đơn vị nghệ thuật và các công ty lữ hành vẫn chưa có được tiếng nói chung và cũng chưa có những động thái gì rõ nét cho thấy họ sẽ cùng “chung sức” để tìm hướng ra cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam.

Ngoài công lập: Le lói vài điểm sáng

Trong khi đó, mặc dù đi sau nhưng đến nay một số đơn vị nghệ thuật ngoài công lập đã gầy dựng được những chương trình “sống” được, điển hình là Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động cùng với sự chủ động mời gọi, hợp tác với các công ty lữ hành trên địa bàn, sân khấu này đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến xem.

Để có được thành quả đó, Rồng Vàng phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, có những lúc tưởng chừng phải đóng cửa vì ảnh hưởng dịch cúm A/H1N1. Để đảm bảo lịch diễn, có ngày chỉ vài khách nhưng sân khấu này vẫn sáng đèn. Nhờ vậy, Rồng Vàng đã tạo được lòng tin cho các công ty lữ hành trong và ngoài nước. Đạo diễn Châu Hùng Lâm, quản lý Nhà hát khẳng định: “Số lượng du khách đến với Rồng Vàng ngày càng đông hơn”.

Gần đầy, sân khấu Super Bowl của NSƯT Hồng Vân cũng mạnh dạn đầu tư thực hiện chương trình nghệ thuật “Duyên Việt 1” (với nội dung tái hiện những hình ảnh Hà Nội xưa) chủ yếu hướng đến phục vụ khách du lịch. Ngay sau khi ra mắt, NSƯT Hồng Vân cũng chủ động mời gọi các công ty lữ hành hợp tác, đưa du khách đến xem.

Hiện nay, mỗi tuần “Duyên Việt 1” đều đặn diễn 1 suất cố định vào những ngày cuối tuần. Sắp tới, nếu thuận lợi, “Duyên Việt 1” sẵn sàng biểu diễn theo yêu cầu của các công ty lữ hành nhằm phục vụ tốt du khách. Sau chương trình “Duyên Việt 1” đơn vị này dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện “Duyên Việt 2”, “Duyên Việt 3” để giới thiệu với du khách những nét văn hóa đặc sắc của miền Nam và miền Trung.

Nguyên nhân vì sao?

Có một thực tế phải nhìn nhận là, với các đơn vị ngoài công lập, khi đã làm, đã đầu tư kinh phí thực hiện thì bằng mọi cách họ phải năng động, chủ động tìm khán giả. Trong khi đó, các đơn vị công lập chưa mấy chủ động trong việc đi tìm khán giả, ngay cả việc quảng bá, tiếp thị cũng kém hơn hẳn.

Đây cũng có thể là nguyên nhân đưa đến một nghịch lý, trong khi đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM suốt mấy năm qua luôn nhận được những lời mời sang biểu diễn tại Đài Loan (Trung Quốc), Pháp… nhưng trên “sân nhà” thì lại chưa thể thường xuyên biểu diễn, phục vụ du khách.

Vì vậy, nếu muốn biến chủ trương “đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch” của TPHCM thành hiện thực, đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật công lập phải chủ động, năng động hơn và đặc biệt là chọn lựa tiết mục sao cho vừa hấp dẫn du khách, vừa giới thiệu được nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, nếu không chịu tưới nước, bón phân thì dù có gieo bao nhiêu hạt cũng e rằng khó có cây xanh tốt để nghĩ đến việc hái quả ngọt.

Theo “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn, người nặng lòng với sân khấu du lịch, trước khi bắt tay thực hiện Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TPHCM anh đã đi tham mô hình này ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan… và có chung một cảm nhận là ở các nước, sân khấu phục vụ du lịch được quy hoạch mang tính chiến lược lâu dài. Chính vì thế mà các tour du lịch đều có đưa các chương trình sân khấu vào để quảng bá, giới thiệu trước vài tháng hoặc cả năm.

TPHCM muốn phát triển sân khấu du lịch cũng cần phải có sự quy hoạch dài lâu và đầu tư lớn cho việc xây dựng nhà hát cũng như thực hiện chương trình.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục