Đua trào lưu ngoại lai

Mấy ngày qua, mở các trang mạng thấy vô số hình ảnh các bạn trẻ uốn éo trên Facebook với trò lấy tay sờ rốn để khoe hình thể chuẩn. Nhiều bạn trẻ đứng trước gương, một tay làm động tác vòng tay sờ rốn, tay còn lại cầm điện thoại chụp hình rồi tung ngay lên mạng xã hội. Trước đó, thử thách dội nước đá (Ice Bucket Challenge) cũng từng gây “bão” trên mạng.  
Đua trào lưu ngoại lai

Mấy ngày qua, mở các trang mạng thấy vô số hình ảnh các bạn trẻ uốn éo trên Facebook với trò lấy tay sờ rốn để khoe hình thể chuẩn. Nhiều bạn trẻ đứng trước gương, một tay làm động tác vòng tay sờ rốn, tay còn lại cầm điện thoại chụp hình rồi tung ngay lên mạng xã hội. Trước đó, thử thách dội nước đá (Ice Bucket Challenge) cũng từng gây “bão” trên mạng.  

Lạc vào mê cung

Chị Ngọc Tiên (đường Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TPHCM) kể câu chuyện cười ra nước mắt về con gái chị. Cô bé đang học lớp 10 được bạn bè chung lớp thách đấu dội nước đá lên đầu. Về nhà, cô bé lặng lẽ giấu gia đình, chuẩn bị một xô đá viên loại nhỏ, cho vào chút nước để thể hiện sự “dũng cảm” so với bạn bè, rồi đem ra sân dội thẳng lên đầu, nhờ bạn quay lại. Không rõ cô bé “câu” được bao nhiêu “like” trên Facebook, chỉ biết sau đó, em phải nghỉ học hai ngày, trên trán có nhiều vết trầy xước do đá viên để lại. Chị Ngọc Tiên chia sẻ: “Cấm con không sử dụng mạng thì con cũng sẽ lên mạng từ máy bạn bè hay ra internet công cộng. Học cái hay trên mạng thì ít mà con học theo các trào lưu không giống ai thì nhiều. Có dạo cháu còn dùng son môi màu đậm khi đi ra ngoài cho giống diễn viên Hàn Quốc. Tôi phải nói mãi cháu mới chịu thôi…”.

Hiện nay, hàng loạt những trào lưu mới được xuất hiện và nổi lên như một hiện tượng mà hầu hết được du nhập từ nước ngoài vào như: trào lưu emo (ăn mặc khác người, trang điểm đậm nét), thử thách dội nước đá, trào lưu ăn mặc giống thần tượng, nhắn tin “em yêu anh”, chế ảnh, đoán tuổi, thời trang họa tiết chăn công… Giới trẻ đang bị lôi kéo và cuốn theo các trào lưu đang phát tán trên cộng đồng mạng.

Các trào lưu thường diễn ra trong thời gian ngắn và được cộng đồng làm theo. Đình đám nhất và được giới trẻ lẫn các danh hài, ca sĩ trong giới showbiz hay những cầu thủ trên sân cỏ “nhiệt tình” tham gia là trò dội nước đá. Được bắt nguồn từ Mỹ, với mục đích nâng cao nhận thức về ALS (xơ cứng teo cơ một bên) là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh vận động của con người bị tê liệt. Người bị thử thách sẽ tự dội xuống đầu 1 xô nước đá lạnh, hành động tưởng chừng “điên rồ” đó lại mang lại ý nghĩa lớn, góp phần vào quỹ từ thiện ủng hộ các bệnh nhân. Hay như trào lưu dùng tay sờ lỗ rốn khoe hình thể chuẩn. Cách làm không khó, chỉ cần vòng một tay ra sau lưng và sau đó cố gắng để ngón tay chạm được vào lỗ rốn. Nếu ngón tay sờ được vào rốn, có nghĩa bạn đã sở hữu một vòng eo thon gọn, cơ thể có tỷ lệ vừa phải. Trào lưu xuất hiện trở thành tâm điểm chú ý của giới trẻ và các diễn viên, người mẫu cũng a dua vào cuộc... Đáng chú ý là các trào lưu này được du nhập từ nước ngoài, xuất hiện khá nhanh và kết thúc cũng chóng vánh.

Trào lưu dội nước đá nổi đình đám thời gian qua. Ảnh: Trần Kháng

Thái quá và kệch cỡm

Nhiều trào lưu ở nước ngoài mang tính chất tốt đẹp, giàu ý nghĩa nhưng khi được du nhập qua Việt Nam đã trở nên lố bịch và kệch cỡm. Tiêu biểu nhất có lẽ chính là trào lưu dội nước đá, được đánh giá là có ý nghĩa nhân văn nhất định khi người tham dự sẽ góp một khoản tiền nhỏ, đồng thời kêu gọi sự chú ý của người xem về một căn bệnh liên quan đến thần kinh. Nhưng khi du nhập sang Việt Nam thì dường như những người tham gia chỉ còn để ý đến việc “làm để nổi tiếng”, “làm theo phong trào”. Hay như trào lưu cái ôm miễn phí (free hug) được bắt nguồn từ phong trào xã hội ở phương Tây, mang ý nghĩa nhân văn thể hiện sự tử tế, một hành động vị tha chia sẻ với đối phương hơi ấm và sự tự tin, nhưng khi du nhập sang Việt Nam, một số bộ phận giới trẻ lại biến nó thành trò lợi dụng...

Giới trẻ hiện nay được tiếp cận công nghệ thông tin một cách nhanh chóng với vô vàn kiến thức mới, nhưng lại không được chọn lọc. Thấy trên cộng đồng mạng có gì mới mẻ hấp dẫn, họ lại bắt chước hoặc “sáng tạo” thêm. Những mảng màu sáng tối của “văn hóa ngoại lai” ấy được du nhập vào qua du lịch, phim ảnh và hàng hóa thương mại với những cô gái trẻ tóc nhuộm vàng, mặc váy ngắn và lối sống ăn nhanh, nói lớn, nghe nhạc giật, mặc đồ hiệu. Thanh Phong (sinh viên ĐH KHXH-NV TPHCM) chia sẻ: “Việc ăn mặc cần phải cân nhắc sao cho phù hợp, nhất là giới trẻ. Riêng cá nhân tôi, trang phục không chỉ để đẹp mà còn để tôn trọng những người khi mình tiếp xúc. Vậy nhưng ra đường, tôi thấy không ít những bạn trẻ ăn mặc lai căng, hở trên hở dưới, cốt chỉ để chứng minh mình khác người”.

Rõ ràng, chạy theo trào lưu đang trở thành một xu hướng trong giới trẻ, bất chấp đó là những hình ảnh phản cảm.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục