

Thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm, trợ lý tác huấn đơn vị bộ binh 1, Đoàn dự bị động viên, Binh đoàn 16, là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2007 khi mới 26 tuổi đời với 6 tuổi quân.
Tháng 8-2007, cơn bão lịch sử số 2 tràn vào các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gây mưa lớn. Đập hạ ở trung tâm huyện Easup (Đắc Lắc) bị vỡ, nước sông Ea Hleo dâng cao đột ngột đe dọa nhấn chìm hàng trăm hộ dân trong khu vực đơn vị Nghiễm đóng quân. Tình thế quá cấp bách, Nghiễm cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trực tiếp vượt qua vùng nước xoáy nguy hiểm để cứu giúp đồng bào. Anh đã cứu được hơn 40 người dân và trên 40 hộ dân về nơi an toàn trong dòng lũ xoáy.
Gần 1 năm đã qua đi, giờ kể lại những kỷ niệm khó quên trong dòng lũ xoáy đó, Nghiễm khiêm tốn nói rằng những gì mà anh và đồng đội làm được chỉ là một phần rất nhỏ để góp phần giảm bớt mất mát của bà con mình trước cơn phẫn nộ của thiên tai. Quả tình, một mình cứu trên 40 con người thoát ra khỏi dòng nước xoáy là một hành động phi thường. Nghiễm tâm sự, trong tình thế cấp bách đó, không hiểu lấy đâu ra sức mạnh mà mình khỏe đến thế. Chỉ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sau một ngày đêm vật lộn với cơn lũ, khi bà con đã được bình yên, anh mới cảm thấy mệt và ngủ một chập từ sáng đến tối.
Anh nhớ, ác liệt nhất là từ lúc 3 giờ chiều 5-8 đến 12 giờ trưa 6-8-2007. Trong suốt quá trình ứng cứu đó, thần kinh của anh lúc nào cũng phải căng lên như dây đàn. Có cả lúc anh rơi vào trường hợp mà sự sống và cái chết cách nhau chỉ trong gang tấc.
“Ca nô cứu hộ của tôi vừa ra giữa dòng thì chết máy, bỗng dưng có một cây gỗ trôi theo dòng nước lao thẳng vào canô. Canôâ bị đứt dây và trôi tự do theo dòng nước cuốn. Lúc đó, tôi cùng đồng đội của mình chỉ biết tìm cách hãm để cho canô không bị cuốn theo dòng nước xoáy. Ngay lúc đó, tôi quyết định một cách rất bản năng, không dùng phao cứu hộ nữa, mà lao thẳng canô khỏi dòng nước xoáy. Thật may, canô nổ máy trở lại và chúng tôi tiếp tục hành trình cứu dân” - Nghiễm nhớ lại.
Thoát khỏi gang tấc hiểm nghèo đó, anh đến một gia đình người Thái có 2 con nhỏ. Tình hình đã rất cấp bách, nhưng người phụ nữ kiên quyết không di dời, bởi lẽ chị tiếc 3 con trâu, không muốn bị mất chúng. “Lúc đó lòng tôi rối bời. Vừa giận, vừa thương”, anh kể lại.
Nhưng cho đến tận bây giờ, Nghiễm vẫn đau đáu hình ảnh đó. Một người phụ nữ nông dân bé nhỏ, tại sao giữa dòng nước xoáy lại sẵn sàng đương đầu hiểm nguy tính mạng để giữ lấy 3 con trâu, bảo vệ tài sản của mình? Còn mình, là một người lính, mình có dám hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ tài sản của nhân dân? Anh thầm cảm ơn người phụ nữ đó đã cho anh một bài học quý giá về việc dám hy sinh thân mình để bảo vệ những cái quý giá. Với anh, hạnh phúc đó là sự bảo toàn nguyên vẹn tính mạng của nhân dân, của đồng đội, là sự cho đi mà không tính toán thiệt hơn.
Phan Thảo