Giảm được 1 ngày làm thủ tục xuất nhập khẩu, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoản chi phí gần 1% kim ngạch xuất nhập khẩu. Với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 khoảng 300 tỷ USD quy đổi, khoản tiền tiết kiệm được tương đương 3 tỷ USD. Đó là một con số rất đáng suy nghĩ.
Còn rất nhiều con số đáng suy nghĩ như thế được ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh nêu ra tại cuộc hội thảo được tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương sáng 31-7 và những điểm yếu cốt tử đã được chỉ ra.
Nhiều giải pháp cũng đã được khuyến nghị nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ (ban hành tháng 3-2014) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó có cả những giải pháp mang tính kỹ thuật (như thống nhất số định danh cho doanh nghiệp và cá nhân để giảm sai sót, hạn chế tình trạng lách luật, trốn tránh nghĩa vụ; xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia dùng chung trong nhiều lĩnh vực...) cho đến những chiến lược nhằm kết nối liên ngành. \
Đồng tình với những kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận “rất sốt ruột” với thời gian quá dài để thực hiện các thủ tục thuế, hải quan...
Ông Tuấn cho biết, ngành tài chính sẵn sàng thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để cải thiện tình hình, nhưng phải được sự đồng thuận của nhiều bộ ngành và địa phương khác. “Hàng luồng xanh hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 56% lượng hàng xuất nhập khẩu, cũng có nghĩa lượng hàng hóa “luồng đỏ” mà ngành hải quan phải kiểm tra rất lớn. Trong khi đó, loại trừ những nguyên nhân chủ quan, thực tế có những vướng mắc đáng kể khi thực hiện giám định hàng hóa. Nghịch lý hàng tiêu thụ xong rồi mới có kết quả kiểm định hoặc kết quả kiểm định lại trái ngược nhau khiến hải quan lúng túng, không biết phải xử lý ra sao như công luận đã nêu là có thật” - ông Tuấn nói.
Thậm chí, đáp ứng thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu 13-14 ngày và thời gian làm thủ tục nộp thuế 171 giờ/năm - tương đương mức bình quân của nhóm nước ASEAN-6, mặc dù đã là một thách thức với Việt Nam, nhưng vẫn còn chưa đủ để nâng cao thứ hạng về năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Bởi lẽ các đối tác xuất nhập khẩu chính của Việt Nam là những nền kinh tế phát triển với thời hạn làm thủ tục còn ngắn hơn nhiều so với mức bình quân của ASEAN-6. Luật Hải quan sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 cùng với việc áp dụng hải quan điện tử đã và sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu vấn đề: “Liệu chúng ta có dám bỏ hết các loại giấy tờ mà doanh nghiệp buộc phải có và xuất trình trên đường vận chuyển sau thông quan hay không? Bằng cách trang bị cho cán bộ quản lý thị trường máy đọc có cài phần mềm để đọc được hồ sơ thông quan điện tử. Hay liệu cơ quan hải quan có được phép đào tạo, tuyển dụng cán bộ có khả năng kiểm định hàng hóa để thực hiện kịp thời việc giám định hàng hóa ngay tại cửa khẩu trước khi thông quan để tiết kiệm thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp?”. Ông Tuấn còn gợi ý khả năng kết hợp việc thu thuế với thu tiền bảo hiểm xã hội để bớt đi một lần nộp tiền cho các doanh nghiệp...
Như chính vị Thứ trưởng nhận định, những giải pháp mạnh bao giờ cũng sẽ “động chạm”. Trong đó, không thể không tính đến “tâm lý mất quyền của người có quyền cấp phép khi không còn phải (hay “được”) tiếp xúc với người đi xin phép”. Nhưng nếu không động chạm thì cũng sẽ không bao giờ có đột phá. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã vạch ra một lộ trình dành cho những người dũng cảm.
ANH THƯ