Đừng để lối mòn đầy cỏ dại…

Đừng để lối mòn đầy cỏ dại…

Trước nay, báo chí cứ đặt mãi một câu hỏi nhưng không có vị lãnh đạo đài truyền hình nào giải đáp được thỏa đáng. Đó là vì sao những hãng phim truyền hình được đầu tư cả trăm triệu cho 1 tập phim, nhưng khi chiếu ra thì chỉ được phép chiếu vào những giờ không thuận lợi cho người xem.

Đừng để lối mòn đầy cỏ dại… ảnh 1

Một cảnh trong phim "Đời cát".

Còn bây giờ được gọi là ”Giờ vàng” (20, 21 giờ mỗi tối) thì phim Việt Nam khó lòng chen chân vào. Đó có phải là một nghịch lý không, khi chính đứa con ta đẻ ra lại không được nâng niu bằng con người khác? Nghịch lý này đã kéo dài từ nhiều năm nay, và mặc dù các lãnh đạo đài không tiện nói ra nhưng ai cũng biết rõ lý do chính là sự có mặt của đồng tiền.

Giờ vàng phải chiếu phim ngoại vì đó là giờ các công ty quảng cáo tập trung mua sóng, số tiền có lúc lên đến cả tỷ đồng cho một tập phim. Trong khi đó, phim Việt Nam hầu như chỉ chiếu chay, dù là phim hay nhưng không có quảng cáo, nên đành phải rút vào những giờ “chì”.

Khán giả màn ảnh nhỏ đã quá quen với việc phim Việt Nam nhiều tập phải xem cách tuần ở Văn nghệ chủ nhật, Điện ảnh chiều thứ bảy trên VTV3, và Tạp chí Văn nghệ chủ nhật hoặc chiếu vào buổi trưa 12 giờ trên HTV7 và mặc nhiên chấp nhận những bàn thua nghiệt ngã trên chính sân nhà của mình!

Từ cuối năm 2003, Bộ VHTT đưa ra đề án giảm phim ngoại nhập và đặt chỉ tiêu tăng lên 50% phim Việt Nam trên sóng các đài truyền hình cả nước. Đây là chủ trương rất đúng trước tình hình văn hóa hiện nay. Và chủ trương dành giờ vàng cho phim Việt Nam là một việc làm rất đáng hoan nghênh và trân trọng ở các đài lớn như VTV và HTV.

Chỉ có điều trong khi VTV1 dành giờ vàng cho những phim hay được khán giả rất yêu thích như “Chuyện phố phường”, “Đất và người”… thì HTV mở đầu chương trình giờ vàng cho phim Việt của mình bằng bộ phim thiếu thuyết phục “Vòng xoáy tình yêu” và tiếp theo là phim “Ảo ảnh” cũng là một phim với rất nhiều tình tiết vô lý.

Thực ra, ban lãnh đạo HTV không phải không biết đó là những phim “chì” khi duyệt, nhưng vì đây là loại phim xã hội hóa, được sản xuất phối hợp với Công ty Quảng cáo Lasta nên đành chấp nhận. Và mặc dù phim đầu tiên bị nhiều chê trách, nhưng khán giả Việt vẫn yêu phim Việt nên số lượng người xem vẫn rất đông.

Điều đó đã là chất men kích thích các công ty quảng cáo chen nhau nhảy vào giờ vàng để làm phim Việt, nên hiện nay ngoài Lasta đã có Cát Tiên Sa, Đất Việt… bắt đầu vào cuộc.

Giờ vàng cho phim Việt bỗng trở nên đắt sô, đó là điều rất đáng mừng. Nhưng bên cạnh cái mừng lại chính là nỗi lo, bởi đó còn là con dao hai lưỡi, bởi khi các nhà đài thả lỏng chất lượng phim cho các công ty quảng cáo thì không thể đòi hỏi tính chuyên nghiệp làm sao nói đến chất lượng cao.

Lãnh đạo Đài Truyền hình TPHCM muốn tạo một thói quen xem phim Việt với khán giả màn ảnh nhỏ và gọi đó là con đường mòn mới mở, buổi đầu sẽ còn gập ghềnh khó đi, dần dần sẽ là thói quen. Ý tưởng ấy là quá tốt, nhưng e rằng một con đường mòn quá nhiều cỏ dại sẽ làm chùn bước người đi…

Vì vậy, phương án tối ưu cho phim Việt chiếu trong giờ vàng chính là các công ty thay vì tài trợ, mời gọi quảng cáo cho phim nước ngoài, số tiền ấy hãy tài trợ cho hãng phim truyền hình làm phim có chất lượng cao. Sự tham gia của tư nhân vào việc sản xuất phim truyền hình là cần thiết, nhưng không phải có tiền là có phim hay, mà ở đây phải có sự hợp tác cả hai phía, thiết yếu nhất là tính chuyên nghiệp.

Cụ thể trước mắt, với phim “Vòng xoáy tình yêu”, có tiền có thể tìm diễn viên hay, đạo diễn giỏi, nhưng ngay từ khâu đầu tiên không thẩm định được giá trị của kịch bản thì coi như công sức của cả đoàn phim sẽ là vô ích…  

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục