Đừng để ngân hàng thương mại cho vay “cắt cổ”

Báo SGGP 12 Giờ số ra ngày 16-6 có đăng bài Lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân chỉ thua tín dụng đen, sau đó Tòa soạn SGGP 12 Giờ nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc cũng như bức xúc của người dân khi phải đi vay tiền với lãi suất cao.

Đi ngược chủ trương kích cầu

Việc người dân đến ngân hàng để vay tiền nhiều thay vì trước đây phải đến các tổ chức tín dụng đen để vay là tín hiệu tích cực. Nhưng điều đáng buồn, trong khi người dân đang có niềm tin vào ngân hàng thì hiện nay Ngân hàng Nhà nước lại bỏ mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Lợi dụng việc thả nổi lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng thương mại nâng lãi suất cho vay, gây thiệt hại đáng kể đến người dân nghèo.

Để hạn chế cho vay nặng lãi, trong Bộ luật Dân sự hiện hành cũng đã có điều khoản quy định mức trần lãi suất cho vay tối đa là 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố và Điều 163 Bộ luật Hình sự cũng đã quy định về tội cho vay nặng lãi.

Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước bỏ mức trần cho vay tiêu dùng đã “vỗ béo”, làm lợi cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính phủ cũng có chủ trương kích cầu để giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp thông qua việc cho vay tiêu dùng, mua sắm vật dụng gia đình. Nhưng lãi suất cho vay “cắt cổ” của các ngân hàng hiện nay đang là vật cản lớn, đi ngược lại chủ trương kích cầu của Chính phủ.

LÊ TĂNG ĐỊNH  (P.14, Q.Gò Vấp, TPHCM)

Đang “đánh” vào người nghèo

Trước kia, muốn vay tiền tiêu dùng cá nhân từ ngân hàng (nhất là ngân hàng thương mại nhà nước), công nhân viên và người dân không có tài sản thế chấp rất khó khăn đáp ứng được các thủ tục mà ngân hàng đưa ra. Thủ tục cho vay của các ngân hàng này khá rối rắm, nhiêu khê như phải có từ 5 người trở lên trong công ty cùng vay và được công đoàn hoặc giám đốc công ty đứng ra bảo lãnh mới được giải quyết. Ở một số cơ quan nhà nước, có sự bảo lãnh nhưng mức duyệt cho vay quá thấp nên người dân có vay được tiền cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Do vậy một thời gian dài, những người nghèo gặp khó khăn tài chính đột xuất phải cầu cứu đến các tổ chức tín dụng đen. Những người nghèo đang mắc “cái eo” đành phải “ngậm đắng, nuốt cay” chấp nhận vay nặng lãi để giải quyết việc gia đình. Còn nếu người đi vay có tài sản thế chấp thì vay cũng rất khó khăn vì ngân hàng buộc người đi vay phải lập phương án sử dụng tiền vay, kế hoạch trả lãi và vốn cho ngân hàng. Và “phương án vay” là cái cớ để không ít nhân viên tín dụng ngân hàng bác đơn xin vay. Cuối cùng, muốn được vay ngân hàng, người dân phải thông qua cò dịch vụ và phải trả phí cho cò từ 7% đến 15% (tùy theo khoản vay).

Sau nhiều cải cách, các thủ tục vay tiền tại ngân hàng thương mại có thông thoáng hơn. Người dân chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng khi được vay tiền với mức lãi suất vừa phải, hợp lý. Nhưng đùng một cái, Ngân hàng Nhà nước lại bỏ lãi suất trần cho vay tiêu dùng “tạo điều kiện” cho các ngân hàng thương mại tăng lãi suất. Thả nổi lãi suất đồng nghĩa đánh vào dân nghèo chúng tôi.

UY DŨNG (P.11, Q.Tân Bình, TPHCM)

Nếu có tranh chấp, hợp đồng cho vay vượt 150% lãi suất cơ bản sẽ bị vô hiệu

Điều 476 của Bộ luật Dân sự có quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 7%/năm, lãi suất trần tối đa hiện nay mà các ngân hàng được phép cho vay là 10,5%/năm.

Như vậy, hiện nay một số ngân hàng, như HSBC cho vay tiêu dùng cá nhân lãi suất 24%/năm (tương ứng 342% mức lãi suất cơ bản) và mức cho vay tiêu dùng cá nhân của Công ty Tài chính Prudential là 26%/năm (tương ứng 371% lãi suất cơ bản) là không đúng quy định của Luật Dân sự. Như vậy, nếu có tranh chấp xảy ra, nhiều khả năng hợp đồng tín dụng có mức lãi suất cho vay trên 10,5%/năm bị tuyên là vô hiệu theo Điều 476 Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, không ít các khoản vay của khách hàng tại các ngân hàng hiện nay đã phạm phải quy định này.

LS. TRẦN MINH SAN (Đoàn Luật sư TPHCM)

Tin cùng chuyên mục