Dùng điện thoại trong lớp học: Không cấm, nhưng không có nghĩa là được dùng thoải mái

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-11 tới đây. Điểm mới so với trước đây là Thông tư 32 không cấm học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động trong giờ học nếu việc sử dụng phục vụ cho mục đích học tập và được giáo viên cho phép. 

Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh HS cũng như toàn xã hội. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối. Để có thông tin cụ thể hơn về điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).
PHÓNG VIÊN: Ông có thể làm rõ sự điều chỉnh trong thông tư mới này so với trước đây về quy định liên quan đến việc HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học?

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH: Tôi xin nói rõ hơn, câu “cho phép sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập” không phải là câu đúng trong thông tư. Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về các hành vi mà HS không được làm. Một trong số đó là hành vi “sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Như vậy, với quy định cũ, chúng ta cấm cấm hoàn toàn việc HS sử dụng điện thoại trong giờ học; đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành có thể hiểu là trong trường hợp cụ thể nào đó, ở một hoạt động cụ thể mà thầy cô thấy việc HS sử dụng điện thoại đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập thì GV có thể cho phép. Như vậy, về phần lớn thời gian thì HS vẫn không được sử dụng thoại ở trường, chỉ được sử dụng khi nào GV thấy cần thiết và cho phép HS.

Nhiều quốc gia vẫn rất cẩn trọng trong vấn đề này, họ cho phép HS mang điện thoại tới trường nhưng không cho phép HS sử dụng trong giờ học. Vậy Việt Nam cho phép thì quản lý việc này ra sao?

Thứ nhất, việc cho dùng hay không là do quyền của GV, do đó, quy định này của chúng ta cũng tương đồng với các nước. HS vẫn được đem điện thoại tới trường nhưng không được sử dụng trong giờ học, chỉ được sử dụng khi GV tổ chức hoạt động học tập, khi thầy cô đang cùng với HS thực hiện 1 hoạt động giáo dục nào đó. Trong trường hợp đó, HS sử dụng điện thoại như máy tính để học tập thì GV có thể cho phép các em sử dụng.

Với bài học ở lớp, GV hiểu hơn ai hết việc cần thiết cấm hoặc cho phép HS sử dụng. Nếu không cần thiết, GV không cho phép sử dụng. Thay vì việc cấm hoàn toàn, bộ chỉ cấm những việc dùng không đúng mục đích. Đó là toàn quyền GV.

Quy định này liệu có đặt thêm gánh nặng cho GV, nhất là ở các lớp học công lập, sĩ số HS lên tới 40-50 em? Nhiều GV lo lắng HS sẽ lợi dụng việc đó để chơi game, sử dụng vào mục đích khác không phải vì việc học?

Trong giờ học, GV phải giám sát, quản lý, sát sao HS. Mục tiêu là không để HS nào bị bỏ rơi, nằm ngoài hoạt động học tập của lớp. Chưa cần nói tới việc sử dụng điện thoại, mà khi HS đang làm việc riêng trong giờ học thì GV đều có thể quan sát được. Do đó, quy định của Bộ GD-ĐT là để bảo đảm cho việc nếu ở nơi nào đó, ở một lúc nào đó có điều kiện thuận lợi thì giáo viên không bị hạn chế việc cho phép HS sử dụng điện thoại thông minh. Đó như một phương tiện hỗ trợ học tập. Cần phải hiểu rằng, việc GV cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Quy định này không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Trước nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận, liệu Bộ GD-ĐT có xem xét lại quy định này?

Với thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của GV và HS. Thực tế, ở nhiều quốc gia, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Xu hướng quốc tế đã tiến xa, Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ GD-ĐT cũng đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về dạy trực tuyến. Vì vậy, Bộ GD-ĐT quyết định không cấm tuyệt đối việc HS dùng điện thoại trong lớp. Quy định của Thông tư 32 phù hợp cuộc sống xã hội thế kỷ 21. Ở thời đại 4.0, chúng ta không thể cấm hơn 8 triệu HS trung học dùng điện thoại, trong số đó có nhiều địa phương, nhà trường, giáo viên, HS có điều kiện và sử dụng cho việc dạy học sinh động, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của chúng ta là hướng dẫn, quản lý để các em sử dụng điện thoại di động nói riêng và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin khác một cách phù hợp, cả ở nhà và ở trường. Đó cũng chính là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực HS, trong đó “tự chủ và tự học” là 1 trong 3 năng lực cốt lõi (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo).

Tin cùng chuyên mục