Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh tiếp nhận một bệnh nhân Y. (nam, tuổi ngoài 50), mắc bệnh rò hậu môn (còn gọi là bệnh mạch lươn), tái phát nhiều lần. Bệnh này thường có nguyên nhân do bị một áp-xe ở cạnh hậu môn nhưng điều trị không đúng cách nên tạo thành đường rò từ hậu môn ra phần mềm quanh hậu môn, có khi ăn thông đến trực tràng, đại tràng. Người mắc bệnh sẽ bị tình trạng dịch mủ và phân liên tục rò rỉ ra ngoài, không kiểm soát được.
Bệnh nhân Y. đã phẫu thuật theo phương pháp thông thường nhiều lần nhưng chỉ ít tháng sau là lại tái phát và các đường rò càng phức tạp hơn. Quá mệt mỏi với căn bệnh này, khi được biết BV Vạn Hạnh đang có công trình nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong điều trị các bệnh mãn tính, ông Y. đã đề nghị áp dụng cho trường hợp của mình. Hiệu quả khá “ngoạn mục”: sau khi phẫu thuật và cấy tế bào gốc, bệnh nhân không bị đau đớn, hồi phục nhanh, chỉ khoảng 3 tuần sau là các đường rò đã được lấp kín, không còn bị tình trạng rò rỉ dịch mủ và phân ra ngoài. Sau ca đầu tiên này, BV Vạn Hạnh đã điều trị thêm 4 ca bị rò hậu môn, đều đạt hiệu quả, đến nay chưa trường hợp nào bị tái phát.
Bác sĩ Trần Đặng Xuân Tùng, Phó chủ nhiệm đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh mãn tính của BV Vạn Hạnh - cho biết nơi đây đang nghiên cứu việc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối giai đoạn từ độ 2, độ 3. Theo phương pháp thông thường, bệnh nhân ở giai đoạn trên sẽ chỉ dùng thuốc để giảm đau, khi nào bệnh tăng lên độ 4 thì phẫu thuật thay khớp. Từ phương pháp thụ động như trên, việc ứng dụng tế bào gốc sẽ chuyển việc điều trị sang thế chủ động, tạo ra sự đề kháng của chính cơ thể người bệnh, vừa tăng hiệu quả, vừa an toàn.
P.Lan