
Sau hơn 1 năm, kể từ ngày 10-8-2004, Xí nghiệp thu phí liên tỉnh lộ 15 (Công ty Phát triển đô thị và Khu công nghiệp- URBIZ) thực hiện thu phí giao thông trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đã liên tục xảy ra nạn tài xế vượt trạm, không mua vé; còn nhân viên thu phí thì bị hành hung, đe dọa…
Tài xế vượt trạm, nhân viên bị… đánh
3 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại điểm thu phí số 3 trên đường Bến Nghé (quận 7 TPHCM). Mặc dù chưa vào giờ cao điểm nhưng từng đoàn xe tải nặng chất đầy hàng hóa từ phân bón, sắt thép… từ trong cảng nối đuôi nhau chạy ra. Nhân viên Nguyễn Quốc Nam -trạm thu phí số 3 đang cố thuyết phục tài xế mua vé, còn một nhân viên khác thì giữ chặt cây sắt chắn ngang đường cương quyết không cho xe qua.

Trạm thu phí số 4 - một điểm nóng về tình trạng xe vượt trạm.
Sau hơn 5 phút phân bua, phụ xe cũng rút tiền mua vé. Chỉ vào cây sắt cong bị trầy xước nhiều chỗ, hậu quả của mỗi lần xe vượt trạm, Nam cho biết, ban ngày họ còn nài nỉ, xin xỏ chứ về khuya thì rồ ga băng qua trạm.
Mỗi chốt chỉ có 2 nhân viên nên chúng tôi không thể ngăn họ được, chỉ biết đứng nhìn xe đi qua. Nếu chúng tôi làm nghiêm, họ không xuống xe phản ứng ngay lúc đó thì sau khi cho xe về nhà sẽ quay lại...
Cũng mang cùng nỗi bức xúc, nhân viên Nguyễn Trọng Khán nói: “Trạm 4 là chốt nóng của cả khu vực vì nơi này có nhiều cảng, lượng xe có tải trọng lớn chạy nhiều, tình trạng xe vượt trạm xảy ra thường xuyên.
Để đối phó với nạn xe vượt trạm, nhiều hôm xí nghiệp tăng cường lên 10 nhân viên nhưng cũng bất lực vì nhân viên có 10 mà tài xế đông đến hàng trăm”. Trưởng ca Phạm Văn Nhẫn giãi bày: “Xe vượt trạm, tài xế đánh nhân viên đã trở nên phổ biến. Nhiều lúc, chúng tôi làm ngơ cho nhân viên vi phạm quy định cơ quan, để cho xe chạy qua vì làm nghiêm thì rất... nguy hiểm”.
Trong khi nhân viên thu phí than phiền việc xe vượt trạm, tài xế hành hung nhân viên thì các tài xế cũng “kêu” vì quá nhiều trạm, giá vé đắt và không chạy xe trên con đường này cũng phải mua vé. Anh Phan Hữu Nam, tài xế chở phân bón cố nài nỉ để được qua trạm số 3. Anh Nam cho biết, kho hàng của công ty nằm ngay bên kia đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn đường từ cảng đến kho chưa đến 1.000m nhưng mỗi lần vào cảng lại mất 30 ngàn đồng tiền vé.
Mỗi ngày chạy 15 chuyến, riêng tiền vé giao thông đã gần 500 ngàn đồng thì làm sao chủ cơ sở chịu nổi. Anh Nguyễn Văn Lợi -tài xế xe 54N-34… chạy xe trên đường Tôn Thất Thuyết, nói: “ Tôi chạy xe trên đường này (tức đường Tôn Thất Thuyết – PV) có lăn bánh mét nào trên đường Huỳnh Tấn Phát đâu mà đóng tiền thu phí”.
Thu phí giao thông: được ít, mất nhiều
Đường Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Tấn Phát có lưu lượng xe lưu thông cao, bởi để vào các cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận Đông, VIT, Cảng Rau quả, Bông Sen… đều phải đi qua tuyến đường này. Vào năm 1990, Sở Giao thông –Công chính đã được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Tất Thành (giai đoạn 1, đoạn từ cầu Khánh Hội - quận 4 đến đường Huỳnh Tấn Phát quận 7), tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng.
Công trình nâng cấp đường hoàn thành vào năm 1996 và được tổ chức thu phí từ đó cho đến năm 2003. Giai đoạn 2 của dự án (từ đầu đường Huỳnh Tấn Phát đến phà Bình Khánh, quận 7), UBND thành phố giao cho Công ty URBIZ đầu tư theo phương thức BOT, nguồn kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu là 99 tỷ đồng nhưng sau đó đã tăng lên 198 tỷ.
Sau 3 năm thi công, tháng 9-2002, dự án nâng cấp đường hoàn tất. Ngày 20-7-2004, UBND thành phố ra Quyết định số 178/2004/QĐ-UB, tổ chức thu, nộp phí giao thông trên đường Huỳnh Tấn Phát. Mặc dù đây là dự án nâng cấp đường giai đoạn 2, thế nhưng Công ty URBIZ không chỉ được thu phí trên đường Huỳnh Tấn Phát mà còn được thu phí trở lại tuyến đường Nguyễn Tất Thành.
Do đường ngắn, nhiều lối rẽ, để “tận thu”, Công ty URBIZ đặt đến 8 điểm thu phí trên các con đường nhánh. Việc đặt nhiều trạm thu phí không những gây ách tắc giao thông, mà đối với những người kinh doanh vận tải thì đây là khó khăn lớn. Một cán bộ của Hiệp hội Giao thông vận tải hàng hóa thành phố cho biết, với mật độ trạm thu phí dày đặc trên đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành chẳng khác nào bắt buộc chủ xe phải mua vé vào cảng.
Điều này đã đẩy giá thành vận chuyển lên cao làm ảnh hưởng không chỉ riêng ngành vận tải mà tất cả các ngành kinh tế khác. Thời gian gần đây giá xăng, dầu tăng nhanh, nhiều đơn vị vận tải đã ngưng hoạt động vì bị lỗ.
Cán bộ Xí nghiệp thu phí tỉnh lộ 15 cho biết, khó khăn không chỉ dành cho giới vận tải mà ngay cả với nhà đầu tư. Do quá nhiều trạm, lại nằm rải rác vì thế việc quản lý cũng gặp khó khăn. Mỗi trạm bố trí 2 nhân viên làm nhiệm vụ, đã không đủ lực lượng để buộc tài xế mua vé khi tài xế muốn vượt trạm.
Thế nhưng, nếu tăng nhân viên thì phải tăng chi phí, sẽ dẫn đến thu không đủ chi. Ngoài ra, do trạm thu phí nhiều, nằm trên địa bàn rộng, phức tạp khó kiểm soát nên dễ dẫn đến tiêu cực, gây thất thoát. Ông Nguyễn Văn Tưởng – Giám đốc Công ty URBIZ bức xúc: “Có nhiều trường hợp lái xe chỉ đưa tiền bằng nửa giá vé và không cần lấy vé. Kiểu đưa tiền này rất nguy hiểm vì nó là biến tướng của hành động mua chuộc, hối lộ nhân viên thu phí. Về lâu dài, điều này sẽ làm hư hỏng cán bộ thu phí”.
Theo chúng tôi, dù các tài xế, chủ xe đưa ra lý do gì để vượt trạm cũng đều không thể chấp nhận. Những bất cập ở các trạm thu phí trên đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành cần sớm được tháo gỡ để giảm bớt phiền hà cho người kinh doanh vận tải cũng như bảo đảm an toàn cho nhân viên thu phí.
TRẦN HIỀN