Cũng như các tuyến đường cao tốc khác, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có 2 lớp bảo vệ rất kiên cố. Rào chắn ở sát đường cao tốc và hàng rào bảo vệ cách đó vài mét. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều lý do khác nhau, một số hàng rào trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã bị người dân phá dỡ. Đây là việc làm rất nguy hiểm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của mình và của người tham gia lưu thông trên đường cao tốc.
Bất chấp nguy hiểm chỉ vì… tiện lợi
Đường cao tốc là đường mà các phương tiện giao thông không bị cản trở, vì không có đường giao cắt cùng mức với các hệ thống đường bộ thông thường khác. Trên đường cao tốc, xe chạy theo đường một chiều với vận tốc khá cao. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có tốc độ lưu hành cho phép 60 - 120km/giờ. Xe gắn máy và người đi bộ không được phép lưu thông trên đường cao tốc. Đường cao tốc được rào chắn kiên cố toàn tuyến và những đoạn đường đi qua khu dân cư đều có hàng rào bảo vệ chắc chắn.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, khu vực đường cao tốc đi qua 2 tỉnh Long An, Tiền Giang có nhiều đoạn hàng rào bị người dân phá dỡ.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, khu vực đường cao tốc đi qua 2 tỉnh Long An, Tiền Giang có nhiều đoạn hàng rào bị người dân phá dỡ.
Tại cánh đồng lúa khu vực xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) có một hàng rào bảo vệ bị phá bung. Cách đó không xa, sát rào chắn đường cao tốc là một bãi rác. Vỏ hột vịt chất thành đống, trải dài một đoạn hơn 5m. Mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Tại khu vực trạm dừng chân đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, nơi có hàng chục phương tiện dừng đậu để đổ xăng và cho hành khách đi vệ sinh, một đoạn hàng rào đã bị phá dỡ tự bao giờ. Anh Thanh Long, tài xế một doanh nghiệp vận tải hành khách, cho biết: “Hàng rào bảo vệ đó đã bị ai đó tháo dỡ hơn tháng nay. Xe vào đường cao tốc lưu thông với tốc độ rất cao, nên nếu gặp người đi băng qua, chúng tôi rất khó xử lý”.
Nghiêm trọng hơn, tại khu vực xã Bình Thanh (huyện Thủ Thừa) có khoảng 3 điểm bị các hộ dân phá hàng rào bảo vệ để làm lối ra vào nhà. Trong gần 10km của đoạn đường cao tốc đi qua tỉnh Tiền Giang, một số khu vực hàng rào đã bị phá để làm lối qua lại cho một số người dân đi làm ruộng.
Bao giờ chấn chỉnh, xử lý?
Theo luật định, các phương tiện không được dừng, đậu trên đường cao tốc. Phương tiện vận tải hành khách không được dừng, đậu đón trả khách. Tuy nhiên, trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đoạn đi qua xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có một số điểm người dân đã đứng ngay rào chắn bảo vệ để… đón xe khách đi các tỉnh miền Tây.
Ông Nguyễn Văn Thắng (52 tuổi, cư dân xã Tân Lý Tây) cho biết: “Tôi được cha mẹ tôi cho 5 công đất ruộng ở bên kia đường. Xã này có nhiều gia đình cũng tương tự như tôi. Khi chưa có đường cao tốc, chúng tôi đi làm đồng rất gần. Nay phải đi xe gắn máy ra quốc lộ 1 rồi vòng vô ruộng của mình; đoạn đường hơn 5km. Giờ đây, tôi và các con tôi đi làm ruộng sớm hơn trước. Đi vòng xa một chút, nhưng đảm bảo mạng sống. Tương tự, khi có việc về TPHCM hoặc các tỉnh để khám bệnh hay thăm người thân, chúng tôi cũng đi đường vòng ra quốc lộ 1 đón xe. Đứng bên trong hàng rào bảo vệ, nhìn xe chạy với tốc độ chóng mặt. Ấy vậy, mà nhiều người bất chấp tính mạng của mình và đi bộ băng ngang qua đường cao tốc”.
Qua tìm hiểu, tại các cuộc họp dân, chính quyền địa phương đều dành thời gian tuyên truyền người dân không phá hàng rào bảo vệ và đi bộ băng ngang qua đường cao tốc. Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Sáng 4-4, khi lưu thông trên suốt tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, chúng tôi không thấy lực lượng tuần tra. Nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là điểm cuối của đường cao tốc này. Cách đó không xa, đường dẫn nối đường cao tốc này và đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ đang được xây dựng. Tiện ích của đường cao tốc đang được các loại phương tiện khai thác và sắp tới sẽ thu hút thêm hàng ngàn phương tiện tham gia lưu thông. Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc có tốc độ rất cao, nên việc phá hàng rào bảo vệ để làm lối đi lại là rất nguy hiểm. Đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp chấn chỉnh kịp thời để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.