
Trong khi ở nội thành, nhiều con đường được trải nhựa, nâng cấp thì ở khu vực vùng ven, ngoại thành của TPHCM - hàng loạt con đường đã xuống cấp nặng nề nhiều năm nhưng không được sửa chữa, nếu có thì lại quá chậm. Người dân ngoại thành cười buồn, gọi thân phận những con đường này là “con gái người ta”!
Điểm danh
Sau nhiều năm không tu bổ, đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức) bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Vào tháng 3-2007, quận đã khởi công nâng cấp đường này, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3-2009. Người dân hy vọng sẽ sớm thoát khỏi cảnh phải đi trên con đường lổn nhổn đất đá, mưa lầy, nắng bụi. Thế nhưng sau ngày công trình được khởi công, tuyến đường dài 1,6 km này đã bị cày xới, đất đá ngổn ngang. Người dân phải đối mặt với ô nhiễm và tai nạn giao thông (TNGT).
Ông Phan Hữu Thuận, chạy xe ôm, thường chở khách trên đường này cho biết, ngày nắng bụi mù trời, còn mưa thì mọi người phải đi đường vòng, nếu không muốn xe rơi xuống hố. Hơn năm rưỡi nay, TNGT xảy ra trên đường này nhiều hơn, thậm chí nhiều vụ khá nghiêm trọng.

Những ổ voi, ổ gà ngập đầy bùn, lầy lội trên đường Lê Văn Lương.
Nổi tiếng lầy lội ở khu vực quận 7, Nhà Bè là đường Lê Văn Lương. Đây là con đường huyết mạch nối các xã của huyện Nhà Bè với trung tâm TPHCM. Sau hơn 5 năm xuống cấp nặng nề, tháng 7-2007, đường Lê Văn Lương được khởi công nâng cấp và từ đó đến nay, con đường này đã biến thành “vũng bùn” dài 4 km! Trời mưa hay triều cường, nhiều đoạn đường nước bùn ngập hơn nửa bánh xe, khiến việc đi lại rất khó khăn.
Ở quận 12, Bình Tân… hệ thống đường sá cũng không khá hơn. Mặc dù, khu vực này đã “lên đời” từ huyện lên quận nhiều năm nay, nhưng hệ thống đường giao thông vẫn cơ bản là đường… đất. Đơn cử, tại phường Hiệp Thành (quận 12) số đường được trải nhựa chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là đường đất đỏ, vốn là đường liên ấp cũ. Anh Trần Đình Dũng ở trên đường TH 13 cho biết, hầu hết hệ thống đường đất trên địa bàn phường không có thoát nước. Trời mưa thì người dân phải lội bì bõm, lúc nước rút lại sợ sập xuống ổ voi, ổ gà do đất bùn đã phủ lấp các hố.
Danh sách trên còn dài thêm như: đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh), đường Bến Đò (phường Linh Đông quận Thủ Đức), đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình) và đường Tây Hòa (phường Phước Long A quận 9) đường Nguyễn Bình (xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè)…
Vì đâu nên nỗi?
Vì sao hệ thống đường giao thông ở vùng ven, ngoại thành bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc nâng cấp, sửa chữa lại quá chậm?
Nhiều ý kiến cho rằng, TP đã phân cấp quản lý hệ thống đường giao thông cho các quận huyện nhưng nguồn kinh phí dành cho đầu tư, nâng cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nên dẫn đến tình trạng đường quá tải, mau xuống cấp.
Đối với khu vực phường Hiệp Thành, một cán bộ quận 12 giải thích, đây là vùng quy hoạch làm khu công nghiệp nhưng bị “treo” nhiều năm, do đó hệ thống đường sá không được chú trọng đầu tư xây dựng mới. Được biết, không riêng phường Hiệp Thành mà tại các phường Thới An, An Phú Đông, Tân Thới Hiệp… vẫn trong cảnh đường đất nhiều hơn đường nhựa.

Công trình đường Đặng Văn Bi lổn nhổn đất đá.
Nguyên nhân dẫn đến “mưa lầy, nắng bụi” tại nhiều con đường nói trên do đơn vị thi công dàn trải, không tập trung và thiếu chuyên nghiệp. Như đường Đặng Văn Bi, được đầu tư 34 tỷ đồng và mặc dù quận Thủ Đức đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ nhưng công trình chỉ có vài xe máy cùng mấy công nhân làm việc. Vì vậy, dù đã quá hạn 6 tháng mà con đường chỉ dài 1,6 km vẫn chưa xong phần mặt đường!
Trong khi đó, tại đường Lê Văn Lương, việc thi công chồng chéo dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đường Lê Văn Lương được khởi công nâng cấp vào tháng 7-2007, dự kiến hoàn thành sau 1 năm. Thế nhưng, khi công trình đã đi được 1/3 chặng đường thì ngành cấp nước chen vào đào đường, lắp đặt hệ thống cấp nước dọc theo tuyến đường. Vì vậy, công trình dài 4 km, nhưng có 2 chủ đầu tư với mục đích khác nhau, dẫn đến tình trạng người đào, kẻ lấp, kéo dài thời gian thi công công trình.
Đây chỉ là một trong nhiều lý do gây ra cảnh “mưa lầy, nắng bụi”. Và, những con đường ở vùng ven, ngoại thành như thân phận “con gái người ta” chẳng ai dòm ngó, còn người dân vẫn khốn khó khi lưu thông trên đường…
Trần Yên