Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng

Từ năm 1961 đến tháng 4-1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 1.355 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9, được 99.827 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hoá cùng với hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân và dân miền Nam chống Mỹ cứu nước.
Quang cảnh buổi hội thảo

Ngày 31-10, Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125... tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2021), “Đoàn tàu không số” và 75 năm thực hiện chuyến vượt biển đầu tiên, với chủ đề “Phát huy tinh thần tiên phong, mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Cựu chiến binh TPHCM...

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, đường Hồ Chí Minh trên biển và sự ra đời, hoạt động của “Đoàn tàu không số” có ý nghĩa quan trọng. Chuyến vượt biển ra Bắc từ Bến Tre năm 1946 và giữa năm 1961 đã cho thấy sự nhạy bén trong lãnh đạo, tổ chức của Khu ủy và của Tỉnh ủy Bến Tre. Đây là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào Đồng Khởi, cũng là nơi tiên phong, khởi đầu cho những con tàu huyền thoại nối tiếp nhau vượt biển ra Bắc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, nhất là những thành tích xuất sắc của các thế hệ cha anh trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước tại địa phương. Qua đó, xác định phát triển Bến Tre về hướng Đông là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, lâu dài, đòi hỏi niềm tin, sự đồng thuận và thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Năm 1946, từ vùng ven biển xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú), Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền Bắc xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Định chỉ huy con tàu không số đã vượt trùng dương từ Phú Yên mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về đến Bến Tre giữa tháng 12-1946 với khoảng 12 tấn vũ khí.

Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng ảnh 2 Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên Thuyền trưởng Tàu không số, phát biểu tham luận tại hội thảo
Đến tháng 6-1961, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức 2 chuyến vượt biển ra Bắc, cùng với Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa- Vũng Tàu… là cơ sở để Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy (sau là Đoàn 125 và hiện nay là Lữ đoàn 125 Hải quân). Đoàn có 38 cán bộ chiến sĩ; trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra.
Như vậy, từ năm 1961 đến tháng 4-1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 1.355 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9, được 99.827 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hoá cùng với hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.
Tại hội thảo, Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên Thuyền trưởng Tàu không số cho biết, sau 7 ngày vượt biển Đông trong gió mùa Đông Bắc, sóng phủ mạn tàu, do máy cũ nên liên tiếp hư hỏng, phải tập trung khắc phục và cuối cùng cũng vào đến bờ an toàn. Sau đó, cho xuất phát 3 tàu còn lại đến tháng 12-1963 vào đến Cà Mau an toàn, đưa được gần 110 tấn vũ khí trang bị cho quân giải phóng. 

Tại hội thảo, có 32 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 962 và các cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” năm xưa.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường chi viện vũ khí góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bến Tre tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi “Bến cảng lòng dân”; đồng thời đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị đường Hồ Chí Minh trên biển trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đó là chủ trương, tầm nhìn của Bến Tre phát triển kinh tế về hướng Đông là đúng đắn, phù hợp.

Trước đó, các đại biểu đã dâng hương tại Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
>>> Một số hoạt động của các đại biểu tham dự hội thảo:
Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng ảnh 3 Các đại biểu đã đến tham quan khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển
Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng ảnh 4 Bia lưu niệm
Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng ảnh 5 Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển
Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng ảnh 6 Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh
Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường chi viện vũ khí quan trọng ảnh 7 Vàm Khâu Băng là nơi tiếp nhận vũ khí, đạn dược trước đây 

Tin cùng chuyên mục