Đường sách vào hội

Sáng 15-10, Đường sách TPHCM đã chính thức khởi công trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 TPHCM. Chương trình Đường sách TPHCM do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp cùng văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Đây là một trong những hoạt động văn hóa của TP chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đường sách vào hội

Sáng 15-10, Đường sách TPHCM đã chính thức khởi công trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 TPHCM. Chương trình Đường sách TPHCM do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp cùng văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Đây là một trong những hoạt động văn hóa của TP chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Dấu ấn

Trước đó, từ tối 14-10 tại đầu đường Nguyễn Văn Bình đã gắn biển báo giao thông chính thức thông báo việc đường Nguyễn Văn Bình chuyển thành phố đi bộ. Và đó là nét chấm phá ban đầu để hiện thực hóa con đường sách thường trực đầu tiên của TPHCM.

Đông đảo bạn đọc đến với Đường sách Nguyễn Văn Bình những ngày thử nghiệm

Đã từ lâu, đường sách là một nét văn hóa đẹp của người dân TPHCM, thế nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu hưởng thụ, tìm mua sách của bạn đọc cũng thay đổi. Các đường sách kiểu cũ mất dần và thay vào đó là những nhà sách tiện nghi, hiện đại, lượng sách dồi dào, đa dạng.

Thế nhưng, các nhà sách chưa đa năng khi thiếu điều kiện để thưởng thức sách. Các nhà sách cũng biết rõ điều này nên cố gắng mở thêm dịch vụ như cà phê sách, tổ chức các sự kiện sách, bán sách cũ… Tuy nhiên, các hoạt động đó chỉ mang tính tạm thời, vì còn rất nhiều các hoạt động về văn hóa đọc nhưng nhà sách không thể đáp ứng được.

Rồi Hội sách TPHCM xuất hiện, bạn đọc có cảm xúc với sách khi thong thả dạo qua các gian hàng giữa những hàng cây. Ghé đây lật vài cuốn sách, qua gian bên cạnh đọc thử vài trang, chỗ nọ bán sách giảm giá, gian hàng kia lại có tác giả ngồi ký tặng… Sau đó là đường sách dịp tết được tổ chức thu hút đông đảo bạn đọc, không chỉ mua sách mà còn đến để hưởng thụ không khí sách.

Thế là ý tưởng về một đường sách chợt đến với những người yêu sách. Dĩ nhiên, đường sách hôm nay không thể giống như đường sách cách đây 20 - 30 năm. Đường sách sắp tới không tập trung vào việc bán sách trực tiếp, điều này các nhà sách làm tốt hơn rất nhiều, mà góp vào văn hóa đọc một không gian sách mới, đa dạng và hấp dẫn.

Sân chơi của những người yêu sách

Được khởi công đúng dịp TP đang diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X và dự kiến hoạt động vào đầu tháng 11-2015, đường sách sẽ có các hoạt động chính như trưng bày và giới thiệu những ấn phẩm tuyên truyền cho đại hội do các đơn vị xuất bản của TP thực hiện; các đầu sách, bản Truyện Kiều được xuất bản từ năm 1906 đến nay, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du; triển lãm các loại sách báo cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến… Ngoài ra, đường sách còn dành một khu vực riêng trưng bày các tư liệu Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp cùng Thư viện Khoa học tự nhiên TP thực hiện. Tại đường sách còn diễn ra các buổi giao lưu, tọa đàm về sách như buổi ra mắt tác phẩm Tiếng sóng búa gềnh của bà Ngô Thị Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh).

Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 11-2015 với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23-11-1940), chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Giai đoạn 3 dự kiến diễn ra từ tháng 12 đến cuối tháng 3-2016 nhằm hoàn chỉnh các công tác tổ chức của đường sách.

Đường sách TPHCM dự kiến sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu và kinh doanh những tác phẩm mới, giới thiệu, trao đổi sách hay, sách quý, sách sưu tầm, tổ chức các phiên chợ trao đổi sách cũ, vật phẩm văn hóa và các hoạt động văn hóa đọc như giao lưu, đấu giá, tọa đàm… Trong đó, việc trao đổi, bày bán cũng như đấu giá sách hay - cũ - hiếm được xem là một trong những hoạt động chính của đường sách sau này.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam, đường sách sẽ rộng cửa đón nhận những đơn vị kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực xuất bản, uy tín lâu năm, có khả năng tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, có khả năng tài chính để đầu tư gian hàng, chấp hành pháp luật… Tuy nhiên, các đơn vị khi đã đăng ký kinh doanh gian hàng trong đường sách sẽ không được sang nhượng cho người khác; nếu không kinh doanh phải trả mặt bằng cho hội. Đến nay đã có hơn 20 đơn vị xuất bản, làm sách trong nước đề xuất được tham dự vào hoạt động của Đường sách TPHCM. Nếu có nhiều đơn vị đăng ký tham gia hơn khả năng của đường sách, có thể sẽ phải bốc thăm để lựa chọn. Đường sách được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa nên các đơn vị tham gia đều phải đóng góp chi phí.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục