Đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục lỡ hẹn

Sau nhiều lần vỡ tiến độ, đến thời điểm này, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa có được mốc thời gian cuối cùng để khai thác. Một công trình ngàn tỷ kéo dài 11 năm, qua 3 đời Bộ trưởng Bộ GTVT, vẫn đang tiếp tục thách thức sự kiên nhẫn của người dân thủ đô.
Nhà ga Phùng Khoang của tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành
Nhà ga Phùng Khoang của tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành

8 lần vỡ tiến độ

Nằm trên tuyến huyết mạch, có lưu lượng người tham gia giao thông vào loại lớn nhất thủ đô, đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông đang rất căng thẳng trên tuyến. Chấp nhận lưu thông chật hẹp, cùng với một công trường khổng lồ kéo dài hàng chục kilômét trong nhiều năm ròng rã, thế nhưng hy vọng của người dân về ngày hoàn thành tuyến đường cứ trôi từ năm này sang năm khác. 

Đầu tiên, dự án dự kiến đưa vào khai thác từ 30-6-2015; sau đó, do 4 lần phải điều chỉnh tiến độ vì vướng mặt bằng, ngừng thi công vì xảy ra tai nạn lao động, cần xác định lại tổng mức đầu tư và đợi nguồn vốn vay, dự án đã phải lùi thời hạn hoàn thành sang 30-6-2016. Tiếp đến, vì nhiều lý do, dự án bị lùi tiếp với các mốc thời gian: tháng 12-2016, quý 2-2017, tháng 10-2017, quý 2-2018, cuối năm 2018. Gần đây nhất, mốc tiến độ đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại từ 30-4-2019 lại một lần nữa bị vỡ. 

Theo Ban quản lý (BQL) dự án đường sắt (Bộ GTVT), mốc tiến độ 30-4 vừa qua là do chính Tổng thầu EPC - Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã báo cáo tiến độ dự án với Thủ tướng Chính phủ, cũng như thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí. Tuyên bố mạnh mẽ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về việc yêu cầu dự án phải thực hiện bằng được mốc tiến độ này, nhưng rồi không thực hiện được càng khiến người dân thêm bức xúc. 

Lỗi do Tổng thầu EPC

Đến thời điểm này, theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường nhìn tổng thể đã hoàn thành nhưng trong trạng thái đang án binh bất động. Nhiều hạng mục thi công chưa hoàn chỉnh, một số vị trí cầu thang lên xuống các ga bị nứt, vỡ đã được người dân phản ánh nhưng chưa khắc phục. Hệ thống thoát nước chưa hoàn thành. Còn theo hồ sơ của BQL dự án đường sắt, hiện Tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện kiến trúc các nhà ga; chưa đấu nối thoát nước khu gian ga vành đai 3; chưa đấu nối với hệ thống cấp nước của thành phố; chưa thi công trạm xử lý nước thải, trạm bơm tăng áp, đường nội bộ, cảnh quan, cây xanh trong khu depot.

Bên cạnh đó, 4 hạng mục thiết bị quan trọng vẫn chưa hoàn thành, gồm: thu soát vé tự động AFC, cảnh báo cháy FAS, thiết bị công nghệ khu depot, biển báo chỉ dẫn nhà ga. Đặc biệt, tổng thầu vẫn chưa thực hiện được công tác căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử toàn hệ thống có sự tham gia của toàn bộ nhân sự đã được đào tạo theo biểu đồ chạy tàu với giãn cách thiết kế tối thiểu. 

Theo quy định, để được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước công nhận, dự án phải được vận hành thử, được đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được đăng kiểm đoàn tàu, được xây dựng quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Tuy nhiên, hiện đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống là Apave - Certifer - Tricc mới lập được 9/13 báo cáo và đang còn thiếu rất nhiều tài liệu cần tổng thầu cung cấp để đánh giá an toàn hệ thống. BQL dự án đường sắt cho rằng, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc không có khả năng điều hành, huy động các nhà thầu phụ để thực hiện sửa chữa, khắc phục tồn tại, cung cấp bổ sung hồ sơ tài liệu, thực hiện các thử nghiệm đánh giá an toàn. Lý do là tổng thầu có rất ít kinh nghiệm trong quá trình vận hành khai thác, bên cạnh đó, tổng thầu cũng chưa nghiệm thu hết khối lượng và chưa giải quyết công nợ tài chính cho các nhà thầu phụ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hiện BQL dự án đường sắt đang cập nhật tiến độ của dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành. Với những tồn tại hiện nay, nếu tổng thầu không có sự đột phá, dự án sẽ khó có thể hoàn thành vào cuối tháng 6-2019. Sắp tới, BQL dự án đường sắt sẽ phải làm rõ trách nhiệm của tổng thầu và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ dự án để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký.

Tin cùng chuyên mục