Sau hơn chục năm tìm nguồn vốn đầu tư, các dự án xây dựng hệ thống metro của TPHCM đang lần lượt được triển khai…
Tuyến metro số 1: Tất cả đã khởi động
Dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên cho TPHCM - tuyến đường sắt đô thị số 1, gọi tắt là tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang từng bước hình thành.
Thực ra, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, các cấp thẩm quyền đã bàn tính tới việc đầu tư xây dựng những dự án phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mà metro là một trong những dự án đó cho đô thị lớn nhất nước. Nói cách khác, sự cần thiết và hữu ích của đường sắt nội đô trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời giải quyết bài toán ách tắc giao thông, đã sớm được nhìn nhận từ cách đây hơn 20 năm.
Mẫu toa tàu metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
“Vạn sự khởi đầu nan”, bước đầu bao giờ cũng là bước khó khăn nhất”, không phải là ngoại lệ đối với các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM. Cứ nhìn vào các dự án đường sắt đô thị đang và sắp được triển khai tại thành phố thì sẽ thấy rõ. Đó là các tuyến đường sắt đô thị số 1 lộ trình Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và tuyến số 5 cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc mới, với giai đoạn đầu tập trung xây dựng chặng từ cầu Sài Gòn - ngã tư Bảy Hiền.
Mặc dù phải chờ thêm vài năm nữa tuyến đường sắt đô thị số 1 mới hoàn thành và đưa vào khai thác, thế nhưng, điều chắc chắn là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được ghi vào lịch sử ngành giao thông vận tải như là tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của TPHCM và có của cả nước.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 chặng Bến Thành - Suối Tiên là dự án có vốn vay ODA từ JICA, trong đó, vốn ODA chiếm 88,4% trong tổng vốn đầu tư 236.626 triệu yen Nhật, tương đương 47.325 tỷ đồng (khoảng 2,49 tỉ USD). Dự án bao gồm xây dựng đoạn tuyến ngầm dài 2,6km từ chợ Bến Thành đến Nhà máy Ba Son và 17,1km đoạn tuyến đi trên cao từ Nhà máy Ba Son đến Suối Tiên. Công trình bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm. Một trạm bảo hành kỹ thuật tức depot, cung cấp và lắp đặt các thiết bị như: đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động…
Chiếu theo Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 21-9-2011 của UBNDTP, thoạt đầu dự án dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2018, nhưng kỳ hạn này sẽ phải cơi nới thêm vài năm. Lý do là vì có sự chậm trễ trong công tác giải tỏa cũng như phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành sao cho đảm bảo tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị khác như tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, nên thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ dự án sẽ vào năm 2019 và đưa vào vận hành trong năm 2020. Tính ra muộn hơn 2 năm so với hoạch định ban đầu.
Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được chia làm 5 gói thầu, tất cả đều đã khởi động. Chẳng hạn như gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát thành phố đến Ba Son đến nay giai đoạn thi công đã hoàn tất sàn mái và hoàn trả lại mặt bằng cho khu vực giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi; giai đoạn 2 thi công phía Nhà hát thành phố đã hoàn tất tường vây; giai đoạn 3 thi công phía chợ Bến Thành đã lập 30/52 panel làm tường vây. Theo ông Bùi Xuân Cường -Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM, cho đến nay tất cả các hạng mục đã thi công của dự án đều được giám sát chặt chẽ, thi công đến đâu được tổ chức nghiệm thu theo quy định và đều đạt yêu cầu chất lượng. Các kiểm tra chất lượng bao gồm kiểm tra vật liệu đầu vào, nén mẫu bê tông, kết quả siêu âm, kích thước hình học của các bộ phận kết cấu…
Không những thế, trong quá trình thi công gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố, một hệ thống quan trắc đã được lắp đặt ở khu vực nhà ga Nhà hát thành phố để theo dõi mức độ an toàn của quá trình thi công. Cụ thể là đã bố trí 6 giếng quan trắc mực nước ngầm; 6 cảm biến quan trắc áp lực nước lỗ rỗng; 8 cảm biến quan trắc nghiêng tường vây; 13 cảm biến đo biến dạng trong tường vây; 51 mốc quan trắc lún nhà; 115 mốc quan trắc lún nền; 9 cảm biến đo nghiêng tự động…
Các tuyến khác: Đang chuyển động
Trong khi đó hai tuyến đường sắt nội đô số 2 và số 5 hiện vẫn chưa xác định được thời gian khởi công. Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD, không bao gồm hạng mục nhà ga trung tâm Bến Thành và công ty vận hành bảo dưỡng sẽ được tính vào các dự án riêng. Nguồn vốn của dự án này gồm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) 313 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 195 triệu USD và vốn đối ứng của VN là 6.204 tỷ đồng. Tuyến đường sắt nội đô số 2 dài 11,3km gồm 9,3km đi ngầm, còn lại đi trên cao, với 9 nhà ga ngầm.
Tuyến metro số 5, giai đoạn 1 từ cầu Sài Gòn - ngã tư Bảy Hiền đã thu xếp được đầy đủ nguồn vốn đầu tư là 1,563 tỷ EUR, trong đó vay từ vốn của chính phủ Tây Ban Nha 275 triệu EUR, ADB 475 triệu EUR, EIB 150 triệu euro, KFW 200 triệu EUR và vốn đối ứng của VN. Dự án đã được trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên theo quy định tại Luật Đầu tư công, dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 41.615 tỉ đồng là dự án quan trọng quốc gia, do đó, phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuyến này có 7,5km đi ngầm và 1,4km đi trên cao, cùng với 7 nhà ga ngầm và 1 nhà ga trên cao giao với tuyến số 1 tại Tân Cảng.
THIỆN NHÂN