
Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương vừa được Hội LH Phụ nữ VN trao Giải thưởng Phụ nữ VN 2007. Năm nay, giải thưởng lớn nhất dành cho phụ nữ VN này dành cho 3 tập thể và 7 cá nhân, trong đó, Lan Hương là nghệ sĩ duy nhất. Chị nhận được tin vui khi đang cùng các đồng nghiệp ở Tây Ban Nha để tham gia vở múa đương đại “Kiều, lịch sử của nước”. Vừa về đến VN, chị nói rằng, đây là vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật và chị sẽ tiếp tục phấn đấu để xứng đáng với niềm tin mà Hội LH Phụ nữ VN dành cho chị.
Nỗ lực cho một loại hình sân khấu mới

NSND Lan Hương (giữa) trong vở “Vườn thiên đàng”.
Đóng góp đáng kể của NSND Lan Hương trong những năm gần đây in dấu trên sân khấu kịch hình thể. Sau hai năm hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ, năm 2005, Đoàn kịch Thể nghiệm do chị làm trưởng đoàn ra mắt với vở Nhật nguyệt thực. Với mong mỏi chắt lọc những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, kết hợp với các loại hình sân khấu hiện đại để tạo nên kịch hình thể đậm chất Việt, 5 vở diễn lần lượt ra đời: Tạo sinh, Nhật nguyệt thực, Con bệnh bí hiểm, 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử và Vườn thiên đàng. Mỗi vở đánh dấu một nấc thang trong sự phát triển của loại hình mới mẻ này ở VN, trong đó ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của NSND Lan Hương nhằm đưa kịch hình thể tiếp cận công chúng.
Năm 2001, Lan Hương bắt đầu đi học nghề đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Trước đó một năm, chị đã “xuất chiêu” đạo diễn với vở Cha tôi là người điên. Vở diễn đoạt giải ba của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN. Đến nay, chị đã đạo diễn năm vở, trong đó, chị kiêm diễn viên chính trong vở kịch hình thể Nhật nguyệt thực. Dựa vào bốn câu chuyện riêng lẻ, Lan Hương xâu chuỗi thành vở kịch ngợi ca sự sống bất diệt và lòng yêu thương nhân ái muôn thuở của con người. Chị thổi vào vở diễn chất lãng mạn, siêu thực và gửi gắm những thông điệp mang ý nghĩa nhân bản.
Ý tưởng làm kịch hình thể đến với Lan Hương khi chị độc diễn vở Giấc mơ hạnh phúc (đạo diễn Lê Hùng). Năm 2002, tiết mục này dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và được mời đi biểu diễn ở một số nước. Năm 2004, tiết mục đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan kịch ngắn quốc tế tại Trung Quốc. Có dịp tham gia nhiều chuyến giao lưu sân khấu quốc tế khiến chị nhận ra sức mạnh tiềm tàng của kịch hình thể. Ở đó, chị và kịch hình thể trở thành sứ giả mang văn hóa VN đến với bạn bè quốc tế.
Vườn thiên đàng là vở kịch hình thể mới nhất vừa ra mắt. Lan Hương trong vai trò trợ lý đạo diễn và diễn viên chính. Ở tuổi 45, chị gây ngạc nhiên cho khán giả bởi sức diễn dẻo dai. Hình ảnh người mẹ trong chặng đường tìm con được chị thể hiện đầy sức gợi, sức cảm. Dường như Lan Hương đã tích tụ và dồn nén bấy lâu những nỗi đau đáu của người mẹ và khát khao của một nghệ sĩ kịch hình thể để phả vào vai diễn này tất cả năng lượng tràn trề, sự dẻo dai và cảm xúc của một người mẹ - nghệ sĩ ở tuổi 45.
Hạnh phúc và những trăn trở
Lan Hương nói rằng, trong cuộc sống gia đình, chị và NSƯT Tất Bình sống giản dị và tự nhiên chứ không màu mè và kiểu cách, dù cả hai đều là nghệ sĩ có tên tuổi. Họ về với nhau khi mỗi người đã một lần đò. Cả hai đều quý con riêng của nhau. Hồi Mỹ Hạnh, con gái của Lan Hương, từ Đức về nước ấp ủ ước mơ trở thành diễn viên, “bác Bình” nhiệt tình đưa đi theo các đoàn phim rồi đóng những cảnh nhỏ. Cùng là “dân” nghệ thuật, Lan Hương quý mến và thường xuyên sẻ chia chuyện nghề với hai cô con gái của Tất Bình: nhà biên kịch Đặng Diệu Hương và nhà báo Đặng Thiếu Ngân…
Mẹ con, bà cháu thường xuyên quây quần bên nhau vào ngày cuối tuần tại tổ ấm của Tất Bình- Lan Hương ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Có lẽ thông điệp mà chị gửi gắm trong vở “Giấc mơ hạnh phúc” cũng là tâm niệm của chị trong cuộc sống riêng: “Chúng ta luôn bị quay cuồng bởi các thách đố, các đòi hỏi và yêu cầu mà không nghiệm ra rằng: hiện tại là thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời mình. Mặc dù cuộc sống đầy rẫy khó khăn và muộn phiền, nhưng hãy mơ giấc mơ hạnh phúc”.
Phía sau đôi mắt trong veo của Em bé Hà Nội là tâm hồn nhạy cảm và khát khao cống hiến cho nghệ thuật. Gần ba chục năm qua, chị đã phấn đấu không mệt mỏi cho những vai diễn, cả trên màn ảnh và sân khấu. Chị nói rằng, khó khăn và vất vả bao nhiêu trên sân khấu chị cũng chịu đựng được, nhưng khó nhất là làm sao thu hút khán giả đến với loại hình sân khấu mới mẻ: kịch hình thể. Lan Hương mong mỏi có riêng Nhà hát Kịch hình thể để môn nghệ thuật này có điều kiện hoạt động thuận lợi nhằm thu hút khán giả nhiều hơn.
Hoàng Thanh