EU hợp sức ứng phó cháy rừng

Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí đẩy nhanh kế hoạch thành lập đội máy bay chữa cháy chung của EU, sau khi các trận cháy rừng hoành hành khắp châu Âu vào mùa hè này làm cạn kiệt khả năng ứng phó của khối.
Trực thăng chữa cháy của EU tại Hy Lạp
Trực thăng chữa cháy của EU tại Hy Lạp

Các trận cháy rừng mùa hè năm nay đã buộc hàng ngàn người châu Âu phải sơ tán, đồng thời thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà và cơ sở kinh doanh. Đây là một phần tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu làm gia tăng không khí khô nóng khiến đám cháy lan rộng, cháy lâu hơn và bùng phát dữ dội hơn. Hầu hết các trận hỏa hoạn diễn ra vào mùa hè. Hơn nữa, theo Trung tâm Nghiên cứu hỗn hợp của Ủy ban châu Âu (EC), châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. 

Cháy rừng đã thiêu rụi kỷ lục 700.000ha ở EU từ đầu năm đến nay - con số lớn nhất từ trước đến nay. Diện tích 700.000ha gần gấp 3 lần Luxembourg hoặc gần tương đương với Azerbaijan. Số liệu từ Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho thấy, Tây Ban Nha là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay với hơn 283.000ha rừng bị thiêu rụi. Tiếp theo là Romania (150.735ha), Bồ Đào Nha (86.631ha), Pháp (62.102ha) và Italy (42.835ha). Đức và Cộng hòa Czech cũng phải hứng chịu những trận cháy rừng lớn trong năm nay, do nhiệt độ nóng bất thường ở phía Bắc hai nước này và họ hầu như chưa chuẩn bị tốt để đối phó.

Người đứng đầu Cơ quan Quản lý khủng hoảng của EU, ông Janez Lenarcic, cho biết, ở cấp độ EU, khối còn nhiều hạn chế về năng lực chữa cháy. Một số quốc gia thành viên EU trên thực tế không yêu cầu hỗ trợ chữa cháy vì họ biết các quốc gia trong khối  cũng bất lực. Các nước thành viên EU tự chịu trách nhiệm ứng phó với cháy rừng và chỉ yêu cầu EU hỗ trợ khi thật cần thiết. Khối đã nhận được 11 yêu cầu hỗ trợ trong năm nay, tăng so với 9 yêu cầu vào năm 2021. 

Đối mặt với thực tế mới này, EC đã cam kết tài trợ cho các quốc gia thành viên mua 12 máy bay chữa cháy mới, nhưng những chiếc đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước năm 2026, và tất cả dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động năm 2029. Việc mua máy bay trực thăng chữa cháy sẽ phụ thuộc vào các khoản tiền bổ sung của EU đã được thỏa thuận trong ngân sách năm 2023 của khối. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước thành viên EU cạnh tranh tiền hỗ trợ các ngành công nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng thì kế hoạch mua trực thăng chữa cháy không phải là dễ dàng. 

Theo EC, trong các tháng cao điểm mùa hè, EU đã triển khai 29 máy bay và 8  trực thăng chữa cháy trên toàn khối thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự của EU, đây là một cách để các nước EU chia sẻ nguồn lực trong các tình huống khẩn cấp. Brussels cũng tham gia điều động 200 lính cứu hỏa từ các nước châu Âu khác tới Hy Lạp để giúp lực lượng chữa cháy địa phương và phối hợp hỗ trợ chữa cháy trên không cho Albania. Ngay cả trong giới hạn pháp lý hiện tại, vai trò của EU trong việc ứng phó với thiên tai đang ngày càng mở rộng. Khối đang xây dựng một lực lượng dự phòng khẩn cấp chung, được gọi là rescEU, bao gồm đội cứu hỏa và một lực lượng y tế. Trong tương lai, lực lượng dự trữ cũng sẽ bao gồm các nguồn lực để ứng phó với sự cố hóa học, sinh học và hạt nhân cũng như các thiết bị liên quan đến hậu cần khẩn cấp, cung cấp năng lượng như nơi trú ẩn và máy phát điện.

Tin cùng chuyên mục