(SGGPO).- Trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2010, nghệ thuật đường phố luôn gây được chú ý bởi sự vui nhộn và gần gũi với công chúng. Trong 2 ngày, 6 và 7- 6, các đoàn nghệ thuật đường phố của Pháp, Bỉ đã bắt đầu “ra quân” trình diễn với nhiều tiết mục sôi động.
Đến với Festival Huế 2010 này, vùng Poitou-Charentes (Pháp) đã mang lại những chương trình nghệ thuật đường phố hấp dẫn và đặc sắc. Sau khi biểu diễn nhạc funk tại chương trình khai mạc, đoàn nghệ thuật đường phố les Traine-Savates vùng Poitou-Charentes (Pháp) tiếp tục mang đến một làn gió mới cho Festival Huế 2010 tại 3 suất diễn của đoàn trong các ngày từ 6 đến 9- 6 trên các đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Chiểu...
Buổi biểu diễn đầu tiên của đoàn tại đường Trần Hưng Đạo đã gây sự hưng phấn cho người xem, bằng những màn nhảy múa nhào lộn theo điệu nhạc (kèn trống). Hàng ngàn người dân vây quanh đoàn diễn. Nhiều người cùng tham gia nhảy theo điệu nhạc. Tại các điểm biểu diễn của đoàn tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và Cung An Định cũng được đông đảo mọi người đón nhận.
Lần đầu tiên, loại hình Nghệ thuật đường phố vinh dự được đưa ra biểu diễn tại các vùng ngoài thành phố. Chiều tối ngày 6-6, người dân và du khách tham gia Chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy được thưởng thức những tiết mục mới lạ của của đoàn nghệ thuật Siphon Cosmique (Pháp). Vở diễn cùng tên được thực hiện tên 5 chiếc máy cày được trang trí thành 5 sân khấu lưu động. Tại 5 sân khấu lưu động này sự pha trộn giữa điện ảnh, hài kịch, múa, âm nhạc qua biểu diễn của các nghệ sĩ Pháp-Việt. Sau thành công của ngày đầu vở diễn tiếp tục ra mắt công chúng tại vùng biển Thuận An, huyện Phú Vang.
Hấp dẫn người xem nhất là Đoàn cà kheo De Steltenlopers van Merchtem (Bỉ) với 40 nghệ sĩ đã khuấy động đường phố Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo trong suốt chiều tối ngày 6-6. Với màn đánh trống vui nhộn cùng những bước cà kheo khéo léo qua các đường phố đã làm thỏa lòng người hâm mộ trên các đường phố lớn của thành phố Huế trong suốt thời gian diễn ra Festival.
Đoàn nghệ thuật dân gian cà kheo De Steltenlopers van Merchtem của Vương quốc Bỉ được chính thức thành lập từ năm 1945 sau thế chiến thứ hai, nhưng truyền thống đi cà kheo xuất hiện ở Bỉ từ năm 1336. Lịch sử bắt đầu từ khi vùng Merchtem thường hay bị lũ lụt, dân ở đây chỉ có thể đi lại trên những cây gậy cao để khỏi bị ướt. Lâu dần, việc đi cà kheo trở thành một trong những nét văn hoá dân tộc đặc sắc của Bỉ được mang đi trình diễn khắp nơi và nổi tiếng trên thế giới. Những “nghệ nhân đi cà kheo” đã tham gia biểu diễn trên khắp nước Bỉ và các nước Hà Lan, Luxembourg, Đức, Anh, Ý, Ai-Len, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ba Lan, Rumani, Nga, Nhật, Trung Quốc, Mỹ... và nay là lễ hội Festival Huế.
Chị Văn Thị Hồng Vân, một người dân Huế, cho biết, Festival Huế 2010 có rất nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn, nhưng chị vẫn thích các tiết mục nghệ thuật đường phố bởi nó tạo nên sự vui nhộn. Hơn nữa, nghệ thuật đường phố cùng với các lễ hội cộng đồng đã đưa Festival Huế đến gần gũi hơn với người dân lao động.
- Ngày thứ 3 Festival Huế 2010- Nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc
* Sáng nay, 7-6, tại số 14/7 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế, hoạ sĩ Hồ Kim Quỳ - một nhà giáo tại TP. HCM đã phối hợp với 5 hoạ sĩ nữ khác gồm: Jenny Do, Trương Thị Thịnh và Lê Quế Hương và (Mỹ); Nguyễn Thị Mỹ và Ngô Lan Hương (Huế) tổ chức triển lãm tranh nghệ thuật mang tên "Tình cờ" với hàng chục bức tranh nghệ thuật độc đáo nhằm phục vụ công chúng và du khách trong dịp Festival Huế.
Triển lãm “Trăm mặt một lời” của họa sĩ Lê Bá Đảng cũng đã được khai mạc. 250 tác phẩm và bộ sưu tập khá độc đáo thể hiện trên nhiều chất liệu, như: sơn dầu, màu nước, acrylic. Cùng với tranh là một số tác phẩm điêu khắc với chất liệu làm từ gỗ, inox, kim loại và chất bê tông hóa… tạo nhiều khối hình độc đáo.
Sáng nay, triển lãm “Gốm đề thơ” của họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa cũng đã diễn ra với sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Huế và du khách. Triển lãm trưng bày trên 40 đĩa đề thơ và trên 30 bìa thơ do nhà thơ Hải Trung thiết kế.
* Còn tại trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu quán (TP. Huế) đã diễn ra hoạt động nhân đạo mang tên: "Ngày cơm tình thương" do Hội đồng hương Thừa Thiên- Huế tại TP. HCM và chương trình Huế Xa, tổ chức.
1.500 suất cơm chay với các món ăn nổi tiếng như: gỏi tiến vua, nấm tuyết, bún chả quay, bánh quai vạc... do chính tay các đầu bếp xuất thân từ Huế đang sống tại TPHCM mang nguyên liệu đến, thực hiện.Toàn bộ số tiền thu được từ "Ngày cơm tình thương" sẽ được Ban tổ chức trao cho các trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo và khuyết tật tại Huế.
Dịp này, Hội đồng hương Thừa Thiên- Huế tại TP. HCM và chương trình Huế Xa còn tổ chức đêm văn nghệ giao lưu và quyên góp tiền của, công sức xây dựng 9 ngôi nhà tình nghĩa, phát hàng trăm suất học bổng, gạo cứu đói cho học sinh và người dân nghèo Thừa Thiên- Huế. Tổng cộng kinh phí thực hiện hơn 300 triệu đồng, chủ yếu do các doanh nghiệp và cá nhân xuất thân từ Huế tài trợ.
Thắng – Hùng – Lê