
Như Báo SGGP đã thông tin, Gala “Đêm huyền thoại” do Báo SGGP tổ chức là một chương trình ca nhạc thời trang với nội dung chủ đạo là tái hiện lịch sử Việt Nam, được thực hiện bằng phương pháp kết hợp biểu diễn ca nhạc với kỹ xảo điện ảnh, chủ yếu là sử dụng công nghệ 3D. Để có được 6 clip 3D tái hiện lịch sử phục vụ chương trình, chuyên gia kỹ xảo Lê Kỳ An đã phải làm việc ròng rã suốt gần 3 tháng, vừa nghiên cứu tư liệu lịch sử, vừa thực hiện các đoạn quay ngoại cảnh và thời gian còn lại là... dán mắt vào màn hình vi tính để dựng.

Chuyên gia kỹ xảo Lê Kỳ An đang dựng phim bằng công nghệ 3D
PV: Có vẻ như anh An đam mê 3D còn hơn đam mê nghề kỹ sư cơ khí của mình?
Chuyên gia Lê Kỳ An: Tôi vốn làm gì cũng đam mê, có lẽ do ảnh hưởng từ người thầy của mình. Thầy dạy môn thiết kế của tôi đã từng nói: “Vẽ thì phải biết mình vẽ cái gì. Phải đặt hết tâm trí vào đó thì “tác phẩm” của mình mới có hồn, mới có sức thuyết phục cao...”.
Xem clip về trận không chiến của anh, có cảm tưởng như anh là người trong ngành... không quân?
Tôi mê chơi mô hình máy bay từ nhỏ (cười) nên hiểu nhiều về máy bay, về đường bay và quỹ đạo bay. Khi làm clip này, tôi nghiên cứu tư liệu lịch sử về những trận không chiến ấn tượng nhất trong lịch sử. Ví dụ, cú đảo để né tầm tên lửa của máy bay Mỹ là do phi công Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Cốc thực hiện. Ngay khi chọn những chiếc MIG để vẽ lại, tôi cũng chọn đúng những chiếc đã từng lập kỳ tích trong lịch sử không quân ta, ví dụ chiếc máy bay đã từng bắn rơi 13 máy bay Mỹ, hoặc chọn chiếc máy bay mà các phi công điều khiển đều là những “át chủ bài” trong lực lượng không quân ta và chiếc này cũng đã 12 lần bắn rơi máy bay Mỹ...
Trong số các clip do anh làm, anh thích nhất clip nào?
Những clip dựng lại những thời khắc quan trọng của lịch sử như các trận không chiến mà chúng ta vừa nói tới, đặc biệt là clip về cuộc tiến công vào Dinh Thống Nhất, cứ điểm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Anh muốn nói hình ảnh xe tăng của ta húc vào cổng Dinh Độc Lập?
Đó là hình ảnh đẹp tuyệt vời mà tôi muốn dựng lại hoành tráng.
Tôi nghĩ cảnh đó đã có phim tư liệu ghi lại?
Đúng là có phim tư liệu nhưng không đầy đủ. Trong phim tư liệu, người ta chỉ thấy có một cảnh duy nhất là cảnh chiếc xe tăng húc vào cổng chính Dinh Thống Nhất, sau đó là hết. Tôi muốn căn cứ vào tư liệu lịch sử, dựng lại những thời khắc đẹp như huyền thoại này để người dân thành phố được thấy lại toàn bộ hình ảnh của ngày lịch sử ấy...
Ví dụ như...
Tôi bắt đầu dựng phim từ khi xe tăng ta bắt đầu tiến vào đến cầu Sài Gòn, cảnh ta bắn cháy một chiếc xe tăng của quân đội Sài Gòn cho đến khi xe tăng tiến vào đến dinh. Phim tư liệu chỉ quay đến cảnh húc vào cổng dinh, riêng tôi khi dựng lại, tôi sẽ đặt nhiều góc máy để người xem thấy được toàn bộ khung cảnh lúc ấy, từ lúc chiến sĩ Bùi Quang Thận nhảy xuống từ chiếc xe tăng 384 chạy vào và với sự yểm trợ của xe tăng 390 đã cắm được cờ lên nóc dinh...
Anh có thể giới thiệu thêm về những clip còn lại?
Đó cũng là những cảnh rất hoành tráng và cũng phải rất kỳ công khi dựng lại. Ví dụ, cảnh quân ta và quân Nguyên đánh xáp là cà, cảnh các bô lão tham dự Hội nghị Diên Hồng, cảnh vua Lý Thái Tổ viết chiếu dời đô hoặc các clip có tính chất truyền thuyết như cảnh chia tay của Âu Cơ - Lạc Long Quân.
Để thực hiện một clip như vậy anh mất bao nhiêu thời gian?
Thật ra có khi một ngày tôi có thể dựng được đến 12 phút phim nhưng cũng có ngày ngồi dựng cả ngày cũng chỉ làm được 3 phút phim...
Anh có tự tin rằng việc đưa 3D vào chương trình này là sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình?
Cả tôi và đạo diễn Hồng Ngân đều rất hào hứng với sự kết hợp này. Ai cũng nghĩ, chỉ có nước ngoài mới làm chương trình bằng 3D, chúng tôi muốn chứng minh, ta cũng làm được và làm thành công...
NGỌC YẾN thực hiện