Game bạo lực cướp mất mùa hè của học sinh

Game bạo lực cướp mất mùa hè của học sinh
Vào bất kỳ một quán internet nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những màn hình tràn ngập hình ảnh game bạo lực
Vào bất kỳ một quán internet nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những màn hình tràn ngập hình ảnh game bạo lực
Mùa hè đến, nếu không học thêm, vui chơi giải trí lành mạnh thì học sinh thường giết thời gian ở những điểm internet và đắm mình trong game bạo lực lẫn những trò tiêu khiển thiếu lành mạnh…

Vào bất kỳ một quán internet nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những màn hình tràn ngập hình ảnh game bạo lực, bên cạnh là những cậu bé ở lứa tuổi thiếu niên với cặp mắt căng thẳng, sâu hoắm, bị hút hồn vào màn hình bất kể thời gian. Mỗi khi “thủ lĩnh” trên màn hình của các fan giết được một nhân vật trong game thì các em lại cười to đắc chí. “Giỡn mặt với tao hả mày?”, “Tao sẽ cho cả họ mày biết tao là ai”; “Chờ chút! Bơm máu đã”… Đó là ngôn ngữ giao tiếp mà các em sử dụng khi chơi game, ai nghe thấy cũng “sởn da gà”.

Mới đây có việc phải ra tiệm internet nằm trên đường Ung Văn Khiêm Q. Bình Thạnh để gửi mail, tôi có cảm giác lạc vào thế giới điện tử dành riêng cho trẻ em. Ở lứa trên dưới 10 tuổi nhưng các em đã say mê chơi thứ game dành cho người lớn – game bạo lực. Theo chủ tiệm net này, nếu không bị cha mẹ bắt về ăn, ngủ thì các em có thể chơi game thâu đêm, suốt sáng, không cần ăn uống gì. Vì mê game, các em sẵn sàng bỏ ăn sáng để có tiền mua thẻ nạp cho game. Với những trẻ không được cha mẹ cho tiền thì có thể sinh tật đi ăn cắp, ăn trộm để có tiền chơi.

Câu chuyện đau lòng gần đây khiến dư luận bàng hoàng là việc một học sinh lớp 12 vì ham chơi game, bỏ bê học tập, bị bố la rầy đã nhẫn tâm giết cha mình, chặt thành nhiều khúc, rồi ném xuống sông. Điều khiến mọi người bất bình hơn cả là sau khi giết bố, cậu học trò này vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cậu quay về nhà mở két sắt lấy tiền trả nợ game, mua thêm mấy chục thẻ chơi game, sau đó tiếp tục ngồi chơi game cho tới khi bị bắt. Hành động và thái độ của cậu học trò này là hiện thân của nhân vật trong game.

Nó giống như một lập trình được cài sẵn chỉ cần bấm nút là chạy và người gây án cũng vô cảm như nhân vật trong game. Năm 2008, xã hội đã từng sửng sốt với thông tin hai nam sinh lớp 8 bắt cóc em họ và tống tiền người thân để lấy tiền chơi game. Năm 2007, một cậu bé 13 tuổi, thẳng tay giết một bà cụ 80 tuổi cũng với mục đích lấy tiền chơi game. Ngoài ra còn các trường hợp khác như: trò đánh thầy, bạn bè đâm chém nhau giữa sân trường… là chuyện không còn hiếm.

Thời gian gần đây, báo chí đề cập rất nhiều về tình trạng trẻ em, học sinh ở các lứa tuổi - vì ham chơi game bạo lực bị ảnh hưởng, dẫn đến suy nghĩ, hành động, lời nói chi phối như đang nhập vai vào nhân vật “máu lạnh” trong game. Trong các phạm nhân tuổi vị thành niên, khi phân tích nguyên nhân dẫn đến phạm pháp đều có một điểm chung là nghiện game online bạo lực, thích xem những bộ phim hành động, kiếm hiệp, xã hội đen và thích hành động như những anh hùng ảo trong game hay phim ảnh để thể hiện cái tôi.

Ở lứa tuổi học sinh, các em đang dần hoàn thiện nhân cách, bản thân rất dễ dao động, cám dỗ vào các trò chơi mạnh bạo, hiếu kỳ. Vì thế, chỉ cần gia đình buông lỏng giờ giấc, thiếu định hướng đối với các hoạt động vui chơi giải trí thì các em rất dễ sa ngã. Chính vì thế, để ngăn chặn nạn nghiện game online trong thanh thiếu niên, lứa tuổi học trò - ngoài cơ chế quản lý dịch vụ internet, trong đó giới hạn thời gian cũng như độ tuổi chơi game bạo lực, nhà nước cần tạo thêm nhiều sân chơi giải trí lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi của các em. Thêm một sân chơi lành mạnh, thêm những hoạt động hè bổ ích sẽ giúp xã hội loại bớt những mầm mống phạm tội, vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên.

ANH TUẤN

Tin cùng chuyên mục